Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ trong nhà trường: Những hiệu ứng tích cực
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ (NN), đặc biệt là môn tiếng Anh ở các cấp học, bậc học trong tỉnh vẫn ở mức thấp, chưa đồng đều giữa các vùng miền. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, nhiều địa phương, nhiều trường học không ngừng vươn lên, đổi mới trong hoạt động dạy và học, tạo hiệu ứng tích cực trong bức tranh chất lượng giáo NN.
Luyện kỹ năng giao tiếp trong giờ học tiếng Anh của cô, trò Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn).
Từ những mô hình điểm...
Với lợi thế giáo viên tiếng Anh đều đạt chuẩn khung tham chiếu ngôn ngữ chung châu Âu, có năng lực chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, năm 2015, Trường THPT Hậu Lộc 2 (Hậu Lộc) được chọn dạy thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học NN trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Thầy giáo Đặng Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Lộc 2 cho hay: Việc dạy học theo yêu cầu thí điểm phải bảo đảm các tiêu chí như môi trường giảng dạy, giáo viên đạt chuẩn, năng lực đầu ra học sinh bảo đảm tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học, như lắp đặt phòng nghe - nhìn, hệ thống máy chiếu ở các phòng học, trang bị máy trợ giảng, đài cassette cho giáo viên, nhà trường còn tạo điều kiện cho giáo viên học tập, bồi dưỡng thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; mời giảng viên Trường Đại học NN - Đại học Quốc gia Hà Nội về trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Trong quá trình dạy học, ngoài những giờ học chính khóa, nhà trường còn tăng cường rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, thuyết trình cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích, như: Giới thiệu di tích lịch sử của địa phương bằng tiếng Anh, thi “Rung chuông vàng” với các câu hỏi là nội dung kiến thức bằng tiếng Anh... Hoạt động này đã tạo hứng thú cho cả học sinh và giáo viên, góp phần hình thành và phát triển tốt các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Cũng theo thầy Thanh, qua đánh giá cho thấy, số lượng học sinh khá, giỏi môn tiếng Anh năm sau luôn cao hơn năm trước, học sinh yếu, kém giảm; học sinh đăng ký học khối D và A1 chiếm khoảng 75%, tăng hơn 50% so với 5 năm về trước. Điều này cũng đồng nghĩa chất lượng dạy học và sự quan tâm của học sinh đối với NN đã được nâng lên đáng kể.
Tương tự, nhìn vào bảng thành tích những năm gần đây của Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn) cho thấy, mỗi năm có từ 7 học sinh trở lên đạt giải học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh; 2 - 4 em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Lam Sơn lớp chuyên tiếng Anh; điểm thi môn tiếng Anh vào lớp 10 THPT đạt từ 7 điểm trở lên... cho thấy, chất lượng dạy học môn tiếng Anh đã có sự chuyển biến tích cực. Được biết, Trường THCS Nguyễn Chích cũng là một trong số những trường được chọn dạy thí điểm theo đề án NN quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT. Cô giáo Lê Thị Phương, giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Chích, chia sẻ: Chúng tôi luôn xác định tiếng Anh là môn học khó, khó cả ở chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Thế nhưng, từ năm 2015 trở lại đây, khi nhà trường thực hiện thí điểm dạy học tiếng Anh theo đề án của Bộ GD&ĐT, chất lượng dạy học môn học này đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Không chỉ học sinh, phụ huynh học sinh quan tâm đến việc học tiếng Anh mà bản thân mỗi giáo viên cũng không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả tốt nhất. Trước đây việc dạy học chỉ chú trọng về ngữ pháp và viết, nhưng, hiện nay kỹ năng giao tiếp, sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp đã được quan tâm và tăng cường. Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, tỷ lệ học sinh nhà trường bảo đảm tốt 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đã chiếm hơn 30%. Con số này vượt chỉ tiêu đề ra khiến thầy cô, phụ huynh học sinh rất phấn khởi. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chích, kết quả đạt được trong dạy và học môn tiếng Anh của nhà trường trong những năm học gần đây cho thấy hiệu ứng tích cực từ việc thực hiện Đề án “Dạy và học NN trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT, cũng như Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học NN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” của tỉnh. Bởi khi triển khai các đề án trên nhiều mặt hoạt động trong dạy và học môn tiếng Anh đã được quan tâm thực hiện như, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên, chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy có nhiều đổi mới...
...đến phong trào chung
Thực tế, trong thời kỳ phát triển và hội nhập như hiện nay, NN được xác định có vai trò hết sức quan trọng. Vì lẽ đó, bản thân các nhà trường cũng như các bậc phụ huynh học sinh đều quan tâm đến việc dạy và học bộ môn này. Nhiều năm về trước, học sinh tiểu học chỉ được học 2 tiết Anh văn/tuần. Vài năm trở lại đây, thời lượng Anh văn ở tiểu học tăng 4 tiết/tuần. Ở cấp học mầm non nhiều trường cũng đã cho trẻ làm quen với tiếng Anh... Tại huyện Lang Chánh, mặc dù gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thế nhưng, để tạo phong trào thi đua góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, địa phương đã phát động và duy trì hiệu quả hoạt động “Ngày hội nói tiếng Anh” cho học sinh trên địa bàn. Không dừng lại ở đó, ngành giáo dục huyện thường xuyên mời giáo viên tiếng Anh cốt cán của các huyện bạn về giao lưu, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm và đánh giá năng lực giáo viên của huyện, qua đó, xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp giảng dạy.
Một giờ học tiếng Anh của cô, trò Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn).
Ở nhiều trường học trong tỉnh, việc tăng cường tiếng Anh cho học sinh còn được thực hiện thông qua sử dụng ISMART - chương trình học tiếng Anh thông qua toán và khoa học để khuyến khích học sinh mở rộng kiến thức khoa học, tự nhiên - xã hội. Đặc biệt, tại TP Thanh Hóa, từ năm học 2017-2018, một số trường mầm non, tiểu học, THCS như: Trường Mầm non Hoa Mai, Tiểu học Ba Đình, THCS Trần Mai Ninh... còn tổ chức các lớp dạy học song ngữ Việt - Anh. Theo đại diện lãnh đạo các nhà trường, ở khối mầm non, những học sinh tham gia học song ngữ ngoài học các môn học bằng tiếng Việt theo chuẩn chung của Bộ GD&ĐT quy định các em sẽ được dạy thêm phần chương trình làm quen với tiếng Anh thông qua các môn học, như toán, văn học, làm quen với chữ cái; khám phá khoa học, âm nhạc, tạo hình... Sau khi học xong bậc học mầm non theo chương trình song ngữ học sinh không những được trau dồi các kiến thức từ chương trình của Bộ GD&ĐT mà còn được lĩnh hội phương pháp học hiệu quả từ môi trường học tập tốt và đáp ứng việc học tiếp ở các lớp song ngữ ở trường tiểu học, THCS và THPT. Cùng với chủ trương tổ chức các lớp học song ngữ, ngành giáo dục thành phố còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi, giao lưu tiếng Anh cho học sinh các cấp nhằm tạo sân chơi lành mạnh, khuyến khích tinh thần học tập của các em. Một số trường còn phối hợp với trung tâm NN tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, góp phần tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Anh cho học sinh, giúp các em rèn luyện, trau dồi kỹ năng trong hoạt động và làm việc nhóm...
Ngoài ra, trước nhu cầu và xu thế của thời đại, nhiều phụ huynh còn cho con tham gia học tiếng Anh tại các trung tâm NN. Chị Nguyễn Thị Oanh, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Học NN nói chung, tiếng Anh nói riêng là một bước tiến để vượt qua những rào cản về văn hóa cũng như phong tục tập quán của các nước trên thế giới. Chính vì thế, ngoài học trên lớp, gia đình tôi còn cho cháu học tại trung tâm NN nhằm củng cố và nâng cao năng lực sử dụng và giao tiếp NN của cháu”. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 135 trung tâm NN, tin học được cấp phép hoạt động. Trong đó, tập trung chủ yếu ở TP Thanh Hóa. Các trung tâm này dạy rất nhiều ngôn ngữ, như: tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật... song, chủ yếu vẫn là tiếng Anh. Sự phát triển của các trung tâm NN vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của xã hội về học NN, vừa là điều kiện góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy các môn học này trong nhà trường. Thế mạnh của các trung tâm NN là học sinh được tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài. Bên cạnh đó, các trung tâm còn sử dụng giáo trình được các nước tiên tiến áp dụng. Nhờ vậy, các em được rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Được biết, hiện nhiều trường học trong tỉnh, nhất là các trường mầm non đã có sự liên kết với các trung tâm để đưa giáo viên bản ngữ về giảng dạy, cho trẻ làm quen với tiếng Anh ngay tại trường. Cũng qua thống kê, đến hết năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 95,5% trường tiểu học, 100% trường THCS và THPT dạy và học tiếng Anh theo chương trình 7 năm và 10 năm.
Thực tế trên cho thấy, từ chủ chương của ngành chức năng cũng như yêu cầu thực tiễn đặt ra, việc đổi mới dạy và học NN, đặc biệt là tiếng Anh trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh đã và đang có những chuyển biến, tạo sức lan tỏa rộng rãi, góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế.