Nâng cao chất lượng dạy và học ở huyện Đoan Hùng
PTĐT - Những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, chất lượng giáo dục của huyện Đoan Hùng ngày càng được cải thiện. Hệ thống trường, lớp học, cùng với đội ngũ giáo viên ngày càng được quan tâm đầu tư thỏa đáng, từng bước đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển.
Xác định nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD&ĐT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bước vào năm học 2019- 2020, ngành GD&ĐT huyện đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học, gắn với lồng ghép thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua có quy mô, sức lan tỏa sâu rộng.Ông Ngô Quang Tuyên- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đoan Hùng cho biết: “Để nâng cao chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục huyện luôn quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về tư tưởng chính trị, ý thức, trách nhiệm cao với nghề, đặc biệt là trách nhiệm trước học sinh (HS). Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học; thực hiện đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học; thành lập các câu lạc bộ trong trường học tạo môi trường thuận lợi cho HS học tập, rèn luyện..., đồng thời chỉ đạo các nhà trường tăng cường phối hợp với phụ huynh trong quản lý, giáo dục HS. Đối với bậc tiểu học, ngành GD&ĐT huyện tiếp tục giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; chủ động điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học, phù hợp đối tượng học sinh, đồng thời từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh. Cô giáo Võ Bích Hoàn- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiêu Sơn cho biết: Nhà trường đã tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, khối chuyên môn và giữa các trường tiểu học; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học; tổ chức dạy minh họa để phục vụ việc góp ý, trao đổi kinh nghiệm trong sinh hoạt chuyên môn tại trường, cụm trường, từ đó đưa ra giải pháp cải tiến nội dung, hình thức tiết học... nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của cấp học.Riêng khối trung học phổ thông, Phòng GD&ĐT huyện Đoan Hùng tập trung tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; Triển khai tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trên trang mạng “trường học kết nối”; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, tham gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Đồng thời chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tổ chức các hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.Đến nay, 100% giáo viên của huyện đạt chuẩn về trình độ. Năm học 2018-2019, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục duy trì và củng cố. Hiệu quả đào tạo đảm bảo, đối với lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10 - THPT 2019-2020, Đoan Hùng tiếp tục giữ vị trí 4/13 huyện, thị, thành và là 1 trong những đơn vị không có điểm “Không”. Đối với học sinh khối 12 THPT, GDTX, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp đạt 98,73%.Những năm tiếp theo, ngành giáo dục huyện Đoan Hùng tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động do ngành và địa phương phát động; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng dạy và học, tạo nền móng cho sự phát triển ở các bậc học tiếp theo.