Nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình
Sáng 23/9, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DSKHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Hưởng ứng Ngày Tránh thai thế giới với chủ đề 'Chủ động tránh thai, trách nhiệm không của riêng ai'. Những số liệu đưa ra tại hội thảo khiến người nghe phải suy ngẫm về thực trạng phá thai trong giới trẻ hiện nay. Đồng thời đặt ra yêu cầu về việc tăng cường truyền thông để đảm bảo sức khỏe sinh sản.
Ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng Cục trưởng Tổng cục DSKHHGĐ cho biết, dân số Việt Nam hiện hơn 96,2 triệu người. Tỉ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở nước ta vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Đáng lưu ý, tỉ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở vị thành niên/thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỉ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang hướng gia tăng. “Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước có 300.000-350.000 ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ có gia đình ở độ tuổi từ 15-49 thì tới 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát” - ông Nguyễn Doãn Tú cho hay.
Cùng với đó, hiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình còn một số hạn chế, chưa cung cấp đa dạng và thuận tiện các phương tiện tránh thai giữa các vùng địa lý.
Theo Tổng cục DSKHHGĐ, chủ động phòng tránh thai mang lại rất nhiều lợi ích. Điển hình là chủ động trong việc sinh con. Phòng tránh thai có hiệu quả sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
Ngoài ra, việc chủ động phòng tránh thai cũng giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân khi mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều sẽ có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn, nâng cao được đời sống kinh tế gia đình.
Hội thảo cũng báo cáo các kết quả đạt được của Chương trình truyền thông xã hội về các kết quả đạt được cho kế hoạch dài hạn 3 năm với chủ đề “Là phụ nữ tôi chọn sống chủ động” do Tổng cục DSKHHGĐ và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện. Đến nay, đã có hơn 15 triệu chị em phụ nữ trên cả nước được tuyên truyền về sức khỏe sinh sản. Dự kiến, kết thúc năm 2019 Chương trình sẽ có hơn 25 triệu chị em phụ nữ trên khắp cả nước sẽ trực tiếp được chính những cán bộ dân số tư vấn trực tiếp bài bản về cách lựa chọn các phương pháp tránh thai phù hợp.