Nâng cao chất lượng điều trị ung bướu cho tuyến dưới
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, với vai trò là hạt nhân, Bệnh viện K (Bộ Y tế) đã tổ chức các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tiên tiến, hiện đại lĩnh vực ung bướu cho các bệnh viện vệ tinh trên cả nước. Vì vậy, người dân đã được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương mình.
Hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, mỗi năm có gần 165 nghìn người mới mắc, hơn 115 nghìn người chết do bệnh ung thư. Hiện có khoảng hơn 300 nghìn người đang sống chung với bệnh ung thư. Đáng chú ý, vì người bệnh được tiếp cận với những phương pháp chẩn đoán và điều trị tiên tiến hơn; áp dụng các xét nghiệm hiện đại, phẫu thuật cập nhật kỹ thuật mới, hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn cho nên chi phí điều trị ngày càng cao đã trở thành gánh nặng cho gia đình người bệnh và toàn xã hội hiện nay. Theo tính toán của các chuyên gia, cứ sau 10 năm chi phí điều trị bệnh ung thư tại Việt Nam lại tăng từ 1,5 đến hai lần.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Trong những năm 2000, cả nước mới có ba bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh và đáp ứng được 30% nhu cầu khám bệnh ung thư cho người dân. Trong khi đó, nhiều bệnh viện chưa có khoa ung thư, người bệnh thường phải nằm rải rác tại các khoa điều trị trong bệnh viện như ngoại khoa, nội khoa. Lực lượng cán bộ làm công tác trong chuyên ngành ung bướu còn thiếu, chưa đáp ứng về số lượng và trình độ chuyên môn, dẫn đến tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên... Trước thực trạng nêu trên, ngày 11- 3- 2013, Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 774/QĐ-BYT phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020, trong đó ung bướu là một trong năm chuyên khoa được lựa chọn đầu tiên để thực hiện. Bệnh viện K, là một trong những cơ sở y tế hạt nhân được Bộ Y tế chọn triển khai đề án nhằm nâng cao năng lực về khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tỉnh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế. Từ đó, giảm tải áp lực cho bệnh viện tuyến trên, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt, chuyên môn cao ngay tại địa phương, giảm bớt chi phí điều trị, tạo lòng tin và an tâm điều trị cho người bệnh.
Thực hiện đề án, tính đến nay Bệnh viện K đã có 17 bệnh viện vệ tinh gồm các bệnh viện đa khoa Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hùng Vương, Phú Thọ, Bắc Ninh, Điện Biên, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Bãi Cháy, Hòa Bình, Hà Nam, Ninh Bình, đa khoa Trung ương Quảng Nam; các bệnh viện ung bướu Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An; chỉ đạo tuyến cho 30 bệnh viện trên cả nước... Bệnh viện K đã tiến hành đào tạo 2.972 lượt học viên; chuyển giao 291 lượt kỹ thuật; biên soạn 12 cuốn sách chuyên môn phục vụ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… Một số kỹ thuật được đào tạo, chuyển giao giảm tỷ lệ chuyển tuyến đến 100% như: phẫu thuật ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật ung thư tử cung, xạ trị ung thư vú, cổ tử cung…
Là một trong những bệnh viện tham gia đề án, từ năm 2014 đến nay Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã được các chuyên gia của Bệnh viện K chuyển giao 10 gói kỹ thuật phẫu trị, hóa trị và xạ trị trong điều trị ung thư, giải phẫu bệnh - tế bào học và y học hạt nhân. Thông qua phương thức “cầm tay chỉ việc”, đến nay các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy đã nhanh chóng làm chủ kỹ thuật, phương pháp điều trị bệnh ung thư như: phẫu thuật dạ dày, phẫu thuật nội soi thực quản, phẫu thuật cắt đại trực tràng, phẫu thuật ung thư tuyến giáp có vét hạch, xạ trị điều biến liều bệnh lý ung thư vú, ung thư vòm, lồng ngực, ung thư thận… Hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện đón hơn 150 người đến khám, điều trị các bệnh ung thư. Người đến khám bệnh, chữa bệnh ung thư đã được thụ hưởng, tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến của cả nước; đồng thời được chăm sóc tốt hơn, tiết kiệm được chi phí, cũng như góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Từ năm 2013 đến năm 2018, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã cử gần 70 lượt bác sĩ, kỹ sư, điều dưỡng tham gia các lớp đào tạo do Bệnh viện K tổ chức; tiếp nhận, chuyển giao thành công 19 kỹ thuật chuyên ngành ung bướu từ Bệnh viện K. Nhờ các kỹ thuật được chuyển giao, giảm được tỷ lệ chuyển viện ngành ung bướu lên tuyến trên từ 80% (giai đoạn trước khi triển khai đề án) xuống còn 10% như hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành ung bướu đã khẳng định hướng đi đúng, hiệu quả của Bộ Y tế và có ý nghĩa nhân văn. Các bệnh viện tuyến dưới được nâng cao trình độ chuyên môn; đồng thời các bệnh viện tuyến trên sẽ có nhiều thời gian hơn để tập trung thực hiện các kỹ thuật cao ngang tầm quốc tế. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả đề án hơn nữa, thời gian tới các bệnh viện hạt nhân cần tăng cường triển khai hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ. Các bệnh viện vệ tinh tiếp tục đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ hướng đến sự hài lòng của người bệnh; năng động trong quản lý, chặt chẽ trong tổ chức để bảo đảm nâng cao chất lượng bệnh viện, tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến bệnh viện. Cán bộ, bác sĩ cần xem người, bệnh là trung tâm và lấy hiệu quả điều trị là thước đo, mục tiêu phấn đấu của đơn vị mình…