Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã
Sau hai năm thực hiện Đề án số 08-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đến nay, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cấp xã trên địa bàn tỉnh được cấp ủy các cấp quan tâm hơn, có sự chủ động trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và lý luận chính trị.
Cụ thể là có 469/499 cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, đạt gần 94%; độ tuổi dưới 35 là 8 đồng chí; cán bộ nữ có 71 đồng chí; 100% có trình độ tin học đáp ứng được công tác lãnh đạo, quản lý theo Chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Để đạt được kết quả này, thời gian qua, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đều quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.
Điển hình như ở Đảng bộ huyện Phú Lương, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Đề án số 08-ĐA/TU của tỉnh để xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ huyện Phú Lương, giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, xác định “cán bộ là gốc của công việc”, 95% cán bộ xã trong hơn 2 năm qua đã được huyện chọn cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý Nhà nước; 100% cán bộ được tập huấn thành thạo về tin học. Kết quả, đối với đảng ủy viên cấp xã hiện có 85,5% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên (vượt mục tiêu Đề án), trên 98% có trình độ trung cấp lý luận chính trị (vượt hơn 8% so với mục tiêu của huyện).
Tìm hiểu tại Đảng bộ xã Yên Ninh (Phú Lương) chúng tôi được biết, hiện nay, 13/13 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên (trong đó, 93% trình độ đại học,); 100% có trình độ lý luận chính trị trung cấp. Riêng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã, 100% có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị.
Đồng chí Lâm Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Yên Ninh, cho biết: Chất lượng đội ngũ cán bộ xã được nâng lên, từng bước được trẻ hóa đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương.
Cùng với huyện Phú Lương, thời gian qua, Đảng bộ TP. Thái Nguyên luôn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Theo thống kê của Ban Tổ chức Thành ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo phường, xã của thành phố có trên 180 đồng chí, trong đó gần 97% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Cơ bản, đội ngũ cán bộ xã, phường đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quốc phòng - an ninh, quản lý Nhà nước và quản lý kinh tế. Nhờ đó, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ công tác tại địa phương.
Hay ở huyện vùng cao Võ Nhai, chất lượng đội ngũ cán bộ cũng từng bước được nâng lên. Tính đến giữa tháng 9-2023, tổng số cán bộ, lãnh đạo cấp xã của huyện Võ Nhai là 87 đồng chí, trong đó, trên 94% có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học, còn lại là trung cấp; 100% đồng chí có trình độ lý luận chính trị từ cử nhân, trung cấp đến cao cấp.
Từ thực tế cho thấy, các đảng bộ huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đều đã chủ động xây dựng kế hoạch cử cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, chính trị, ứng dụng công nghệ thông tin và một số kỹ năng theo tiêu chuẩn chức danh, khung năng lực, vị trí việc làm. Trong toàn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, cấp ủy các cấp đã cử gần 8.900 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, trong đó cấp xã có trên 3.720 lượt cán bộ.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cấp xã, ngoài quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, tỉnh đã chỉ đạo cấp ủy các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch và sắp xếp, luân chuyển cán bộ. Trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện và yêu cầu về công tác quy hoạch, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tiến hành rà soát, đánh giá toàn diện đối với nguồn cán bộ trước khi đưa vào danh sách giới thiệu nhân sự quy hoạch, bảo đảm theo quy định.
Đối với cấp xã, nhiệm kỳ 2025-2030 có trên 2.500 đồng chí được quy hoạch ban chấp hành đảng bộ cấp xã, trong đó có gần 37% là nữ, 25,3% là người dân tộc thiểu số, trình độ đại học và trên đại học chiếm gần 80%...
Thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, tính đến giữa tháng 9-2023 có 52/177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có cán bộ cấp huyện luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt cấp xã; 59/177 xã, phường, thị trấn có cán bộ điều động, luân chuyển ngang (từ xã này sang xã khác) giữ chức danh từ phó chủ tịch UBND xã trở lên…
Theo mục tiêu Đề án số 08-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ cấp xã trên địa bàn tỉnh có trình độ chuyên môn đại học; độ tuổi dưới 35 ít nhất đạt 20%; từ 20% trở lên là cán bộ nữ; trên 30% xã, phường, thị trấn trở lên có cán bộ cấp huyện luân chuyển về làm cán bộ chủ chốt…