Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND là nhiệm vụ chiến lược

Ngày 19/12, tại Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND, Hội đồng Lý luận Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp hội đồng 'Yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp công tác, chiến đấu của cán bộ hậu cần-kỹ thuật trong tình hình hiện nay: Những vấn đề đặt ra cho công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên trong CAND'.

Thừa ủy quyền của Trung tướng, TS. Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Bộ Công an, Thiếu tướng, TS. Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND chủ trì hội thảo.

Dự hội thảo có lãnh đạo các cục, đơn vị chức năng trực thuộc Bộ Công an, lãnh đạo các học viện, trường CAND và Công an các đơn vị địa phương.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong CAND.

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong CAND.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng, TS Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND cho biết: Trong không gian địa chính trị toàn cầu hiện nay, sự phức tạp và diễn biến nhanh chóng của các xung đột khu vực, sự phát triển của khoa học công nghệ và những thách thức về an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng CAND.

Hậu cần- kỹ thuật chính là huyết mạch của lực lượng CAND hiện đại. Sức mạnh của lực lượng Công an không chỉ được quyết định bởi năng lực đấu tranh với tội phạm một cách trực tiếp mà còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng hậu cần-kỹ thuật đảm bảo cho các hoạt động triển khai mọi mặt công tác trong Công an một cách liên tục, kịp thời và hiệu quả.

Thiếu tướng, TS. Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Lê Minh Thảo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND phát biểu tại hội thảo.

Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND là một nhiệm vụ chiến lược, quyết định sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Công an. Sự chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ hậu cần- kỹ thuật sẽ quyết định rất lớn đến hiệu quả hoạt động và sức mạnh chiến đấu của toàn lực lượng.

Trong đó, công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với lực lượng hậu cần-kỹ thuật sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực, phương pháp công tác, chiến đấu của lực lượng này. Đây cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 12- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”...

Đại tá, TS Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại hội thảo.

Đại tá, TS Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận, đưa ra các yêu cầu chung của cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND về phẩm chất, năng lực, phương pháp công tác, chiến đấu; những thách thức mới, yêu cầu mới đối với cán bộ trong việc nâng cao năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị nhằm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trên cơ sở đó, các ý kiến cũng đề xuất một số giải pháp đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên đối với cán bộ kỹ thuật-hậu cần CAND như: Xây dựng chương trình giáo dục, bồi dưỡng chất lượng cao, chuyên nghiệp, tập trung phát triển cả năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo cho cán bộ theo từng lĩnh vực công tác đảm nhiệm. Đặc biệt, bên cạnh lý luận chính trị và các kỹ năng chuyên môn, cần tăng cường đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin để cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND có đủ năng lực làm việc trong giai đoạn hội nhập quốc tế một cách toàn diện, lực lượng CAND nhận nhiệm vụ đi đầu trong chuyển đổi số...

Đại tá, TS. Trần Văn Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND cho rằng, Nghị quyết số 12- NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới” đặt mục tiêu đến năm 2030, có từ 20-30% cán bộ lãnh đạo, chỉ huy đủ năng lực làm việc trong môi trường quốc tế đang là bài toán đặt ra cho các nhà trường nói chung, nhiệm vụ đào tạo cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND nói riêng. Điều này đòi hỏi các trường CAND phải không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên, đặc biệt là các kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ để đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh mới.

Thiếu tướng, TS Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cũng khẳng định: Bên cạnh những kết quả đạt được, Y tế CAND thời gian qua còn bộc lộ một số khó khăn, bất cập, nhất là sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng y tế trong CAND là rất lớn, đặc biệt là nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức y tế cơ bản.

Do đó, việc thành lập Khoa Y dược tại Trường Đại học Kỹ thuật-Hậu cần CAND là dấu ấn, bước phát triển giúp Bộ Công an chủ động về nguồn nhân lực cán bộ y tế trong CAND, bổ sung kịp thời sự thiếu hụt về nhân lực y tế của Công an các đơn vị, địa phương nhằm xây dựng đội ngũ y tế xứng tầm nhiệm vụ...

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại hội thảo.

Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an nêu quan điểm: Bên cạnh nhiều thuận lợi, kỷ nguyên số cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác đảm bảo an ninh quốc gia nói chung, lực lượng cán bộ làm công tác khoa học công nghệ trong CAND nói riêng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, kỷ nguyên mới đòi hỏi yêu cầu về phẩm chất mới, năng lực mới và phải làm việc bằng phương pháp mới. Do đó, bên cạnh kiến thức chuyên sâu, cán bộ hậu cần-kỹ thuật CAND còn phải trang bị năng lực số, kỹ năng thành thạo, tư duy phân tích đánh giá tình hình tội phạm; khả năng tự học, nghiên cứu và cập nhật các kiến thức mới.

Về phương pháp, cần ứng dụng mạnh mẽ CNTT và các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mọi hoạt động nghiệp vụ; sử dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ và giải pháp kỹ thuật số; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm công nghệ cao; nâng cao năng lực phân tích, xử lý thông tin, bảo mật thông tin và an ninh mạng...

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị, Đại tá, PGS.TS Trần Văn Riễn, Chủ nhiệm Khoa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật quân sự, Bộ Quốc phòng cũng đã chia sẻ một số kinh nghiệm, cách làm mà nhà trường đã vận dụng thành công trong công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật quân sự như: Đổi mới mục tiêu, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ cao để giải quyết vấn đề, tăng kỹ năng làm việc nhóm, khả năng tự học; tăng cường các môn tích hợp, liên ngành; nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, xem đây là một trong những chuẩn đầu ra đối với học viên...

Huyền Thanh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo-hau-can-ky-thuat-cand-la-nhiem-vu-chien-luoc-i753828/