Nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội
Nhân viên CTXH chăm sóc trẻ em bị tâm thần. Ảnh: KIM CHI
Phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) trong cộng đồng là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế ngay tại địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Để hướng tới chuyên nghiệp hóa nghề CTXH, việc phát huy năng lực, chuẩn hóa kiến thức cho đội ngũ cộng tác viên (CTV) là yêu cầu bức thiết.
Thời gian qua, ngành LĐ-TB-XH Phú Yên đã chủ động, nỗ lực phối hợp trong công tác tham mưu thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo tốt hơn quyền lợi của đối tượng yếu thế, góp phần làm giảm gánh nặng kinh tế gia đình, giúp đối tượng ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH ngày càng tăng
Trong đợt dịch bệnh COVID-19, qua thống kê, toàn tỉnh có gần 50.000 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Tất cả những đối tượng này thuộc nhóm người yếu thế dễ bị tổn thương trong xã hội cần sự quan tâm của Nhà nước, trợ giúp của cộng đồng và xã hội. Hàng năm, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể đều dành thời gian, tình cảm, vận động kêu gọi để hỗ trợ, san sẻ với những mảnh đời khó khăn.
Mặc dù đã có nhiều kết quả tích cực, song do nhu cầu đối tượng cần được tiếp cận và sử dụng dịch vụ CTXH ngày càng tăng, đồng thời nhằm hướng tới phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp, tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển hoạt động này.
Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Qua hơn 9 năm thực hiện đề án Phát triển nghề CTXH, Phú Yên đã xây dựng được hệ thống tổ chức nhân sự CTXH tương đối phù hợp và đã đi vào hoạt động. 100% xã, phường, thị trấn đã có CTV, số lượng nhân viên CTXH hơn 800 người. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Tuy chưa đáp ứng yêu cầu về mặt số lượng và chất lượng, nhưng cũng đã bước đầu tiếp cận được với người cần trợ giúp xã hội. Vì hiện nay, nhu cầu được trợ giúp và sử dụng dịch vụ CTXH đang ngày càng gia tăng.
Chị Lê Thị Dung Thoa, CTV CTXH xã Hòa An, huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Công việc của tôi là tiếp cận, tuyên truyền, hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật... Họ là những người yếu thế trong xã hội, nên rất dễ bị tổn thương. Lúc đầu làm việc này, tôi cũng bỡ ngỡ, chưa có kỹ năng, kiến thức về nghề CTXH nên khá lúng túng. Sau khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, công việc thuận lợi hơn”.
Tăng cường kỹ năng cho đội ngũ CTV
Qua nhiều năm thực hiện đề án, đến nay, đội ngũ CTV CTXH đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đòi hỏi đội ngũ này phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm hướng tới chuyên nghiệp hóa. Từ đó, công tác đào tạo nâng cao năng lực cần tiếp tục được chú trọng hơn. Để đáp ứng nhu cầu trên, mới đây, Sở LĐ-TB-XH phối hợp với Trường đại học Lao động - Xã hội (cơ sở II, TP Hồ Chí Minh) mở lớp tập huấn kỹ năng CTXH trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng và kỹ năng chăm sóc người tâm thần. Qua đó cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản để cán bộ, CTV CTXH trên địa bàn tỉnh nhận biết được đặc trưng tâm lý của một số rối loạn tâm thần và những can thiệp CTXH cơ bản; quản lý trường hợp người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng; lập kế hoạch can thiệp, các phương pháp giải quyết vấn đề sức khỏe cộng đồng…
Theo ông Đinh Viết Hậu, hàng năm, bên cạnh việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của nghề CTXH, tỉnh còn tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống đội ngũ CTV CTXH ở các xã, đơn vị cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.
Từ những thực tế đòi hỏi của xã hội đối với phát triển dịch vụ CTXH, thiết nghĩ rất cần sự chung tay, chung sức nhiều hơn nữa của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH; phấn đấu đạt được các mục tiêu đến năm 2020 của tỉnh là: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Các địa phương bố trí sắp xếp và giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho đội ngũ CTV CTXH ở xã, phường, thị trấn; đảm bảo đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của nhân viên CTXH; tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, các đối tượng yếu thế của xã hội còn được học văn hóa, học nghề, phục hồi chức năng, thể dục thể thao, vui chơi giải trí, kỹ năng sống. Tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa các phong trào từ thiện, hỗ trợ nhân đạo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đồng thời phát hiện và có những hoạt động hỗ trợ kịp thời đối với những hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh...
Hàng năm, bên cạnh việc tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của nghề CTXH, tỉnh còn tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội; phát triển hệ thống đội ngũ CTV CTXH ở các xã, đơn vị cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.