Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên: Tranh thủ nâng chuẩn dịp hè

Tranh thủ dịp hè, nhiều GV tìm các lớp bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ nhằm tránh ảnh hưởng đến giảng dạy và sớm hoàn thành chương trình học...

Ngành Giáo dục TP Kon Tum có 249 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ.

Ngành Giáo dục TP Kon Tum có 249 giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ.

Vợ, chồng cùng đi học

Để đảm bảo lộ trình nâng chuẩn giáo viên, tháng 6/2023 thầy A Tôn - giáo viên Trường Tiểu học - THCS Thắng Lợi (TP Kon Tum, Kon Tum) đăng ký học liên thông từ cao đẳng lên đại học.

Thầy A Tôn học Cao đẳng Sư phạm hệ cử tuyển từ năm 1997 - 2000. Sau 23 năm giảng dạy, thầy Tôn mới sắp xếp được công việc gia đình và tìm thấy lớp phù hợp để học nâng chuẩn trình độ.

Nhằm đảm bảo công tác dạy và học, sau khi kết thúc năm học 2022 - 2023, thầy A Tôn xin ý kiến ban giám hiệu để đăng ký tham gia học tại Trường Đại học Đồng Tháp, tổ chức ở tỉnh Đắk Lắk.

“Trong năm học, tôi xin ban giám hiệu tạo điều kiện, phân công lịch giảng dạy từ thứ 2 đến thứ 6 hằng tuần, còn thứ 7 và Chủ nhật dành thời gian cho việc nâng chuẩn trình độ. Trường Đại học Đồng Tháp cũng tổ chức dạy xuyên suốt trong các tháng hè nên rất thuận lợi”, thầy A Tôn chia sẻ.

Thầy A Tôn đang phụ trách dạy môn Lịch sử khối 6, 7. Tuy nhiên, với Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi giáo viên phải bồi dưỡng thêm kiến thức, kinh nghiệm để dạy tốt cả Lịch sử và Địa lý. Bởi đây là môn học bắt buộc, dạy từ lớp 6 đến lớp 9, gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lý và một số chủ đề liên môn, hỗ trợ lẫn nhau.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Kon Tum, chuyên ngành Giáo dục thể chất từ năm 2004, đến giữa năm 2023, thầy Dương Văn Khánh - giáo viên Trường THCS xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô, Kon Tum) mới tìm được lớp phù hợp để nâng chuẩn trình độ.

Theo thầy Khánh, ở chương trình cũ, giáo viên Giáo dục thể chất chủ yếu dạy học sinh những bài tập, như: Rèn kỹ năng vận động cơ bản, đội hình đội ngũ… Tuy nhiên, với Chương trình GDPT 2018 sẽ tăng yếu tố thực hành, trải nghiệm cho các em thông qua một số môn thể thao đặc thù, như: Bơi lội, bóng rổ…

Qua đó trang bị kiến thức về sức khỏe và rèn luyện giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực, ý thức trách nhiệm đối với sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, biết lựa chọn môn thể thao phù hợp với năng lực vận động của bản thân để luyện tập.

“Hơn 20 năm giảng dạy, tôi nhận thấy bản thân cần nâng cao trình độ để phù hợp chương trình mới nên đăng ký đi học. Trong quá trình học, tôi tiếp cận thêm nhiều kiến thức hay, bổ ích để ứng dụng vào giảng dạy học sinh”, thầy Khánh tâm sự.

 Thầy A Tôn thuyết trình khi tham gia học nâng chuẩn trình độ. Ảnh: NVCC.

Thầy A Tôn thuyết trình khi tham gia học nâng chuẩn trình độ. Ảnh: NVCC.

Quá trình nâng chuẩn trình độ của thầy Khánh vất vả hơn giáo viên khác khi cả 2 vợ chồng theo học tại Đà Nẵng. Thầy Khánh đăng ký học cử nhân tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Còn vợ là Nguyễn Thị Lệ Thu - giáo viên Trường Tiểu học - THCS Văn Lem (huyện Đăk Tô) theo học Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, chuyên ngành Âm nhạc.

Để thuận lợi cho việc đi học, vợ chồng thầy Khánh thuê phòng trọ ở lại trong mấy tháng hè, còn 2 con nhờ ông bà chăm sóc. Xa cha mẹ nhiều ngày, con nhỏ nằng nặc đòi đi theo. Vợ chồng thầy Khánh phải đón ra ở cùng, nhưng khi bố mẹ đi học, con ở nhà phải tự chơi một mình.

“Con còn nhỏ mà đằng đẵng theo cha mẹ mấy tháng hè, tôi thương lắm. Dù khá vất vả trên hành trình nâng chuẩn trình độ nhưng vợ, chồng luôn động viên nhau cố gắng.

Giáo dục thể chất là môn đặc thù nên không thể học online như một số môn khác. Mặc dù, trường đại học tổ chức dạy trực tiếp vào thứ 7 và Chủ nhật, tuy nhiên có những thời điểm lịch thi vào giữa tuần. Nhằm tạo điều kiện để tôi hoàn thành tốt chương trình học, ban giám hiệu nhà trường và tổ chuyên môn phân công người đứng lớp thay. Dự kiến tháng 6/2025, tôi và vợ sẽ hoàn thành chương trình học”, thầy Khánh bộc bạch.

 Thầy Dương Văn Khánh (ngoài cùng bên phải) theo học lớp nâng chuẩn trình độ với mong muốn nâng cao chất lượng dạy, học. Ảnh: NVCC.

Thầy Dương Văn Khánh (ngoài cùng bên phải) theo học lớp nâng chuẩn trình độ với mong muốn nâng cao chất lượng dạy, học. Ảnh: NVCC.

Hỗ trợ tối đa cho giáo viên

Cô Trần Thị Thanh Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – THCS Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum) cho biết, toàn trường có 53 cán bộ, giáo viên ở 2 cấp học. Hiện nay, có 8 giáo viên chưa đào tạo nâng chuẩn trình độ.

Năm học 2023 - 2024, trường có 2 giáo viên tham gia lớp liên kết đào tạo tại Đắk Lắk. Một số giáo viên cũng đang tìm lớp phù hợp để nâng chuẩn trình độ từ hệ trung cấp, cao đẳng lên đại học.

“Nhà trường luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện để giáo viên tham gia các lớp nâng chuẩn trình độ. Trong năm học, ban giám hiệu sắp xếp, phân công những giáo viên tham gia lớp nâng chuẩn trình độ dạy các buổi trong tuần, trừ thứ 7 và Chủ nhật. Những giáo viên khác cũng đồng tình ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ để thầy, cô sớm hoàn thành chương trình học”, cô Thảo nói.

Ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum cho biết, toàn thành phố có 1.948 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, riêng giáo viên là 1.673 người. Giáo viên đạt chuẩn 1.424/1.673 (85,1%), giáo viên chưa đạt chuẩn 249/1.673 (14,9%). Trong đó, 135 giáo viên đang đi đào tạo nâng chuẩn, 51 người quá số tuổi không đi đào tạo nâng chuẩn theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.

Để cán bộ, giáo viên thuận lợi tham gia nâng chuẩn trình độ, ngành Giáo dục, UBND TP Kon Tum tạo điều kiện về thời gian, kinh phí theo quy định. Thành phố Kon Tum đặt mục tiêu phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đạt chuẩn về trình độ, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, phấn đấu đến năm 2025 có 55% giáo viên mầm non, 3% giáo viên tiểu học và THCS đạt trên chuẩn về trình độ đào tạo.

Còn tại huyện Đăk Tô, tổng số giáo viên toàn ngành là 901 người, trong đó đang tham gia đào tạo nâng chuẩn trình độ 14 người. Cụ thể, mầm non 2, tiểu học 9 và THCS 3 người.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô, ngành Giáo dục và ban giám hiệu nhà trường luôn khuyến khích, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng nâng chuẩn trình độ. Không chỉ sắp xếp lịch giảng dạy phù hợp, các trường còn chủ động hỗ trợ kinh phí cho giáo viên theo quy định để thầy, cô nâng chuẩn trình độ, đảm bảo đúng lộ trình. Việc nâng chuẩn trình độ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên trong công tác dạy, học và đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giao-vien-tranh-thu-nang-chuan-dip-he-post692471.html