Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở Đakrông
Thời gian qua, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Đakrông có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt hình thành nhiều phong trào văn hóa thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân từ vùng thuận đến vùng khó tham gia. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU, ngày 7/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa IV) về đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2011 - 2015 và Kết luận 09-KL/HU, ngày 1/7/2016 của Huyện ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06-NQ/HU, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2016 - 2021, UBND huyện đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm triển khai tốt công tác nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện. Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) huyện. Hằng năm, thành lập các đoàn kiểm tra hoạt động văn hóa, việc xây dựng và phát triển phong trào TDĐKXDĐSVH từ huyện đến xã; ban hành các văn bản hướng dẫn về xây dựng hương ước, quy ước làng văn hóa, thôn văn hóa, đơn vị văn hóa (ĐVVH) để chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện. Trong đó, chú trọng công tác đăng ký, bình xét, quy trình thủ tục công nhận các danh hiệu văn hóa tại địa phương, cơ sở. Phối hợp với các cơ quan, ngành, đoàn thể các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú; phát động phong trào thi đua yêu nước gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Nhờ vậy, hầu hết cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng, không ngừng phấn đấu rèn luyện tu dưỡng đạo đức, lối sống, đoàn kết, thực hiện nếp sống văn minh. Qua đó, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống xã hội, nhất là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa.
Phong trào TDĐKXDĐSVH được các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ, có hiệu quả, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân hưởng ứng tham gia. Nếu như năm 2011, toàn huyện có 3.741/7.230 hộ đạt gia đình văn hóa thì đến cuối năm 2020 có 9.177/11.084 hộ đạt gia đình văn hóa; từ năm 2017 đến nay, duy trì tỉ lệ đạt gia đình văn hóa hằng năm trên 80% (đạt chỉ tiêu đề ra). Đến nay, có 78/78 thôn, khóm đã được công nhận danh hiệu văn hóa lần đầu, trong đó có 8 thôn được UBND huyện công nhận lại danh hiệu khu dân cư văn hóa. Từ năm 2011 - 2015 có 90/94 đơn vị được công nhận danh hiệu ĐVVH; giai đoạn 2016 - 2020 có 47/94 đơn vị được công nhận lại ĐVVH. Huyện quan tâm phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, tập trung phát triển du lịch cộng đồng, các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Công tác đầu tư cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa được quan tâm, huyện có 1 Nhà văn hóa truyền thống các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; 1 Nhà văn hóa trung tâm huyện; 7 nhà sinh hoạt văn hóa xã; 71/78 thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; trang bị 71 bộ loa máy cho các thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; có 3 nghệ nhân, duy trì hiệu quả hoạt động của 2 đội cồng chiêng, 14 đội văn nghệ quần chúng, 16 ngôi nhà truyền thống đồng bào Vân Kiều tại thôn Kalu, xã Đakrông. Huyện cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa. Trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thông tin đại chúng được quan tâm đầu tư tại các cụm xã và Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện, góp phần đáp ứng nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân. Phong trào “Toàn dân tham gia rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đẩy mạnh. Từ năm 2011 đến nay, huyện tổ chức 32 giải thi đấu thể thao với nhiều môn như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, thể thao truyền thống… và tham gia đầy đủ các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh. Số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên ngày càng được nâng cao. Nhiều lễ hội được khôi phục và phát huy có hiệu quả, tạo nên văn hóa đậm đà bản sắc.
Thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa. Quan tâm đưa thông tin về cơ sở, thôn, bản sát biên giới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của Nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đổi mới hình thức tổ chức quản lý nhà nước về văn hóa, ban hành văn bản hướng dẫn, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và xu thế chung của xã hội. Thực hiện, lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu về văn hóa, đầu tư trọng điểm, giải quyết những vấn đề có tính cấp bách. Xây dựng một số công trình văn hóa tiêu biểu. Tăng cường đưa văn hóa về cơ sở, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho các thiết chế văn hóa. Thực hiện tốt phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xây dựng nông thôn mới.