Nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu: Yêu cầu bắt buộc
Nhờ sự thuận lợi của thị trường, giá gạo xuất khẩu (XK) đang duy trì ở mức không thể hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, để tận dụng tốt hơn nữa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, từng bước tiếp tục nâng cao chất lượng gạo.
Giá xuất khẩu khả quan
Ngay khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chuẩn bị thực thi, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của Cộng hòa Liên bang Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine. Trong đó, giá gạo ST20 đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn, cao hơn rất nhiều so với mức giá trước khi EVFTA có hiệu lực (giá gạo ST20 khoảng 800 USD/tấn, còn gạo Jasmine 520 USD/tấn).
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo XK đang duy trì ở mức không thể thuận lợi hơn khi đạt trung bình 480 – 490 USD/tấn, có thời điểm vượt giá gạo Thái Lan. Nhiều loại gạo đặc sản, gạo có thương hiệu như ST 24, ST25, giá bán còn vượt mức 1.000 USD. Đặc biệt, sau 1 tháng triển khai EVFTA, doanh nghiệp (DN) XK gạo hưởng lợi khá lớn bởi thuế suất mặt hàng này về 0%. Nhờ đó, giá XK gạo sang EU đã tăng từ 80 - 200 USD/tấn so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Ông Phạm Thái Bình – Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, giá gạo vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do cung-cầu thị trường. Tổng sản lượng gạo XK của Việt Nam đến thời điểm này đã giảm so với cùng kỳ, trong khi nhu cầu của thế giới tăng do dịch Covid-19 và một số thị trường chính như Trung Quốc vẫn có nhu cầu gạo lớn, nên giá gạo dự báo vẫn ở mức cao trong những tháng sắp tới.
Doanh nghiệp vào cuộc
Bức tranh gạo XK cũng đang cho thấy nhiều điều. Cụ thể, những loại gạo đang có mức giá cao hầu hết là đã có thương hiệu, được vinh danh tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới, tức là đã được chứng minh có chất lượng vượt trội trên thị trường. Điều này cho thấy, để chiếm lĩnh thị trường XK, DN phải ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là giải pháp quan trọng, giúp hạt gạo tận dụng được cơ hội trong hội nhập.
Thực hiện mục tiêu này, ngày từ cuối năm 2016, Tập đoàn Lộc Trời bắt đầu triển khai sản xuất lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (SRP). Ðây là Bộ tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới về sản xuất lúa gạo bền vững có tiêu chí nhấn mạnh các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường và 8 vấn đề bảo đảm sản xuất lúa gạo bền vững như: Quản lý tốt đồng ruộng, sử dụng nguồn tài nguyên nước hợp lý, quản lý sâu bệnh, quản lý dinh dưỡng, giảm thất thoát sau thu hoạch, Bộ tiêu chuẩn coi trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sức khỏe cho người lao động, người tiêu dùng.
Hay, Công ty CP Công nghệ cao Trung An đã tập trung triển khai chương trình cánh đồng mẫu lớn theo mô hình liên kết trực tiếp với người nông dân theo phương thức đôi bên cùng có lợi. Đến nay, DN này đã phát triển được 30.000 ha diện tích cánh đồng đáp ứng tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Đặc biệt, Trung An đang dành riêng 800 ha tại tỉnh Kiên Giang để phát triển vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, đáp ứng khách hàng đặc biệt khó tính về chất lượng theo hình thức 100% tự nhiên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt, thay vì bao gói to với lượng 30kg, 50 kg như trước đây, DN hiện chú trọng bao gói sản phẩm ở các kích cỡ 5kg, 10kg, có logo rõ ràng để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Những thay đổi này sẽ giúp sản phẩm gạo đạt chất lượng an toàn theo chuẩn quốc tế, dễ dàng được XK đến các quốc gia như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản.
8 tháng đầu năm 2020, tổng khối lượng và trị giá XK gạo đạt 4,5 triệu tấn và 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng, nhưng đã tăng 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.