Nâng cao chất lượng, giá trị nông sản
Ngành nông nghiệp và các địa phương đã tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ; hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp... qua đó từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
Những năm gần đây, huyện Hoằng Hóa đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật theo xu hướng tăng tỷ lệ các giống chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị... Từ đó, hình thành các vùng sản xuất có các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao như: Vùng sản xuất rau an toàn gắn với chế biến và tiêu thụ; vùng trồng khoai tây quy mô lớn; vùng trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao; vùng sản xuất tập trung dưa hấu, dưa lê... Bên cạnh đó, huyện đã tập trung thực hiện tích tụ đất đai sản xuất nông nghiệp quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất; bước đầu đã ứng dụng công nghệ máy bay phun thuốc trừ sâu bệnh hại. Đồng thời, xây dựng các vùng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước đột phá mới trong phát triển sản xuất, như: Mô hình nuôi luân canh cá - lúa tại xã Hoằng Đông; mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Hoằng Châu; mô hình nông nghiệp đa giá trị tại xã Hoằng Đức...
Tại xã Hoằng Thắng, ông Hoàng Văn Kim, một trong những hộ sản xuất dưa hấu tại vùng sản xuất tập trung cho biết: “Tham gia sản xuất, chúng tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất... Việc sản xuất trên một diện tích với cùng một loại giống giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc cây trồng, phòng trừ sâu bệnh... Đồng thời, không những làm thay đổi thói quen trong sản xuất nhỏ lẻ truyền thống mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm dưa hấu; mang lại hiệu quả kinh tế tăng từ 10 đến 15% so với diện tích sản xuất nhỏ lẻ; tạo điều kiện thu hút được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”.
Tại Như Xuân, huyện đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chia sẻ kinh nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, làm thay đổi tư duy và phương pháp tổ chức sản xuất của người dân. Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Tại các xã, thị trấn, nhiều giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào sản xuất, như TBR279, Bắc Thịnh, TBR45, Nhị Ưu 986... Áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt, tưới phun mưa, kết hợp bón phân qua nước theo công nghệ NETTAFIM... để phát triển cây ăn quả. Trong chăn nuôi, cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, đưa giống mới thuần ngoại Landrace, hướng dẫn người dân làm hầm biogas, đệm lót sinh học, chế phẩm balasa... Đồng thời, phát triển các giống gia cầm có năng suất, chất lượng cao, như gà Lương Phượng, gà Lạc Thủy, vịt bầu Thanh Quân...”. Từ các mô hình cho thấy, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã khẳng định được ưu thế vượt trội và là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị của sản phẩm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các địa phương và người dân đã ưu tiên sử dụng các loại giống chất lượng cao; du nhập, khảo nghiệm giống mới để chủ động được bộ giống; phục tráng các loại cây trồng tại địa phương như lúa nếp hạt cau, bưởi Luận Văn, cam Vân Du... Cùng với việc ứng dụng máy móc, khoa học công nghệ, các địa phương còn nỗ lực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông sản vào đầu tư trên địa bàn và các nhà máy chế biến lúa gạo; lâm sản và hàng chục cơ sở chế biến rau, quả, thực phẩm... Hiện đã có hơn 2.471ha sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP, gần 5.100ha sản xuất hữu cơ và hơn 13ha đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế...
Để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, các địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp từ sản xuất đến tiêu thụ; nhất là đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào canh tác và chế biến; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ... Bên cạnh đó, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm nông sản đặc trưng; tăng cường kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến nông sản đầu tư vào hệ thống thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại chỗ.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-chat-luong-gia-tri-nong-san-238523.htm