Nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, công tác giải quyết kiến nghị của cử tri trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế… Vì vậy, nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp công dân thường kỳ, tháng 3-2022.

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tiếp công dân thường kỳ, tháng 3-2022.

Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, trong tổng số 1.013 kiến nghị của cử tri do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố trả lời, có 533 kiến nghị đã giải quyết dứt điểm, còn 480 kiến nghị đang giải quyết. Đối với HĐND cấp huyện nhận được tổng số 4.716 kiến nghị của cử tri, trong đó 86,3% kiến nghị đã được trả lời.

Dù có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng thực tế vẫn còn những khó khăn, hạn chế trong công tác này. Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, công tác ban hành, triển khai thực hiện văn bản pháp luật mới hoặc thực hiện chỉ đạo của cấp trên đã bảo đảm, tuy nhiên, công tác hệ thống hóa lại các văn bản để thuận tiện tra cứu, áp dụng chưa kịp thời. Cùng với đó, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện văn bản chỉ đạo một số vụ việc cụ thể chưa sâu sát, quyết liệt. Nguyên nhân là do các cơ quan tham mưu cấp huyện chưa quan tâm đúng mức công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật phần mềm quản lý để theo dõi, đôn đốc thực hiện.

Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán thừa nhận, hiện nay, HĐND thị xã chưa tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc với nhóm cử tri; chất lượng giải quyết một số kiến nghị cử tri của UBND các cấp và cơ quan hữu quan chưa cao, chưa kịp thời. “Lắng nghe ý kiến, kiến nghị tại các cuộc tiếp xúc cử tri rất quan trọng, vì thế, tới đây, HĐND thị xã sẽ tăng cường tiếp xúc cử tri chuyên đề; mời lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan chuyên môn cùng cấp tham dự để giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, tránh tình trạng đại biểu HĐND chỉ ghi nhận, chuyển giao toàn bộ ý kiến cử tri đến cơ quan có trách nhiệm giải quyết”, đồng chí Nguyễn Quang Hán chia sẻ.

Tổng hợp từ các địa phương, nguyên nhân dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tổng hợp, đôn đốc, giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri là do các buổi tiếp xúc cử tri giữa các kỳ họp cử tri nhiều thành phần, đối tượng, kiến nghị nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành. Cùng với đó, trình độ năng lực không đồng đều, khả năng diễn đạt, nêu ý kiến của nhiều đại biểu hạn chế; điều kiện giải quyết, năng lực giải quyết đáp ứng nguyện vọng của cử tri, nhất là cấp cơ sở khó khăn. Trong khi đó, nhận thức của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền trong giải quyết kiến nghị còn hạn chế, còn chậm, thiếu trách nhiệm trong trả lời, giải quyết các kiến nghị của cử tri. Chưa kể, chế tài, quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm trong giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa rõ, chưa cụ thể, chưa đủ mạnh để buộc các cơ quan chức năng phải thực hiện…

Để khắc phục những vấn đề tồn tại, nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri cần thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, trước khi diễn ra các cuộc tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND cấp huyện yêu cầu các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị tổng hợp trước ý kiến, kiến nghị cử tri của đơn vị gửi Thường trực HĐND cấp huyện để tổng hợp. Mặt khác, cần quán triệt để cử tri hiểu rõ về đối tượng, nội dung cuộc tiếp xúc để cử tri kiến nghị đúng đối tượng, đúng thẩm quyền giải quyết, không kiến nghị với đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố những việc thuộc thẩm quyền của cấp xã, cấp huyện và ngược lại.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho rằng, để nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri, ngoài những giải pháp trên, cần quan tâm đến bộ máy giúp việc HĐND các cấp trong công tác tổng hợp, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. “Cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong hoạt động của HĐND các cấp. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp HĐND, thì Thường trực HĐND các cấp cần nghiên cứu, lựa chọn lĩnh vực, nội dung để tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề tại địa phương”, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên nhấn mạnh.

Việt Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/1029237/nang-cao-chat-luong-giai-quyet-kien-nghi-cua-cu-tri