Nâng cao chất lượng giáo dục đạt trình độ quốc tế
Sở GD-ĐT TPHCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Sáng 13-8, tại Hội trường Thành phố, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. Đến tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP; Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM.
Phấn đấu mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân
Báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, trong năm học 2018-2019, toàn TP có 60 dự án đầu tư xây dựng trường học được thực hiện với quy mô 977 phòng học. Nhằm thực hiện chỉ tiêu đến năm 2020 đạt tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3 - 18 tuổi) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần X, Sở GD-ĐT TP đã tiến hành rà soát với 24 quận huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, tính đến tháng 6-2019, TP đạt tỷ lệ 278 phòng học/10.000 dân.
Dự kiến trong năm học 2019 - 2020, toàn TP tăng thêm 75.434 học sinh, tập trung nhiều ở cấp tiểu học và THCS, đặc biệt tại các quận: 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và 3 huyện: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, do đây là những khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, dân số tăng cơ học cao. Để đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học, trong năm học này TP sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới, trong đó có 1.239 phòng tăng thêm và 237 phòng thay thế.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, năm học 2019-2020 ngành giáo dục và đào tạo TP tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi).
Ngoài ra, cũng trong năm học này, ngành giáo dục tích cực rà soát kết quả thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất nhà trường, chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ, đột phá trong công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ năm học mới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục mạnh dạn đổi mới, tham mưu thành phố những đề án, chương trình có tính đột phá, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục gắn với khoa học - công nghệ.
Ngoài ra, đồng chí Lê Thanh Liêm đề nghị lãnh đạo UBND các quận huyện rà soát lại quy hoạch đất tại địa phương, tập trung ưu tiên đất cho giáo dục, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đến năm 2020, đảm bảo đủ trường lớp, giảm sĩ số học sinh/lớp, tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. “Sở GD-ĐT TP sẽ là đầu mối, chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan để bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Những nội dung nào khó quá, các đồng chí có thể báo cáo Thường trực UBND TP để xin ý kiến”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhấn mạnh.
Giáo dục hướng đến chất lượng quốc tế
Trước những kết quả đã đạt được của ngành giáo dục TP, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét, TPHCM có quy mô dân số lớn nhất cả nước và là một trong 2 thành phố có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) vừa qua, TPHCM có điểm trung bình tốt nhất trong 5 thành phố và xếp hạng 5 cả nước. “Số lượng học sinh dự thi của TPHCM gấp 1,5 lần học sinh 4 địa phương có kết quả thi THPT đứng trên TPHCM”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân so sánh và biểu dương kết quả ngành giáo dục TPHCM đạt được trong năm học vừa qua.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân điểm lại một số kết quả của ngành giáo dục đạt được trong thời gian qua, như kiên trì thực hiện hệ thống giáo dục của thành phố (từ năm 2002) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lâu nay, TPHCM đối diện với áp lực giải quyết nhu cầu của số học sinh tăng thêm mỗi năm từ 60.000 - 70.000 em. Thế nhưng, TPHCM đã dành nguồn lực đầu tư phòng ốc, trường học đáp ứng nhu cầu này. Ngoài ra, nhiều năm qua TPHCM luôn quan tâm, chú trọng nâng cao trình độ, chất lượng đối với giáo viên và cán bộ quản lý.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến một số khó khăn mà ngành giáo dục TP đang gặp phải, nhất là yêu cầu tinh giản biên chế. Theo đó, ngành giáo dục TPHCM có đặc thù là lượng học sinh tăng rất cao, từ 60.000 - 70.000 học sinh/năm. Ngoài ra, TPHCM đứng trước các thách thức trong phát triển và chịu áp lực duy trì mức năng suất lao động cao nhất cả nước và gấp 3 lần cả nước hiện nay.
Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, TPHCM muốn đi đầu cả nước thì không có cách nào khác phải nâng cao chất lượng giáo dục đạt đến trình độ quốc tế, từ các cấp học phổ thông đến các trường nghề cũng như các cấp học cao hơn. “TPHCM muốn cạnh tranh thì giáo dục phải hướng đến chất lượng quốc tế”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế tài chính; khuyến khích giáo dục ngoài công lập, đề xuất các mô hình hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục đạt đến trình độ quốc tế. “TPHCM đã và sẽ tiếp tục dành cho ngành giáo dục sự quan tâm lớn nhất”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định và chia sẻ, sắp tới TP sẽ bàn chương trình phối hợp với đối tác Singapore, xem họ như là đối tác chiến lược của TPHCM trong việc thực hiện giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế.
Về nhiệm vụ ngắn hạn, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, đến cuối năm 2020, TP phải đạt được chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học. Nhiệm vụ này có thể đến cuối năm 2020 sẽ không đạt được nên ngành giáo dục cần phải tập trung lập kế hoạch, tạm ứng trước kinh phí sớm khởi công xây mới các trường học. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Sở GD-ĐT phối hợp tham mưu, đề xuất giải pháp để UBND TPHCM trình HĐND TP điều chỉnh, khắc phục một số điểm chưa phù hợp trong việc chi thu nhập tăng thêm cho giáo viên theo cơ chế, chính sách đặc thù.
Dịp này, Trường THPT Thủ Đức và Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 3. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng tặng cờ thi đua cho 6 tập thể và bằng khen cho 9 tập thể đã có nhiều thành tích xuất sắc trong năm học. UBND TPHCM cũng tặng cờ thi đua cho 14 tập thể đóng góp nổi bật cho sự phát triển giáo dục của thành phố.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nang-cao-chat-luong-giao-duc-dat-trinh-do-quoc-te-610449.html