Nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tuy đã có chuyển biến tích cực hơn song vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi trên địa bàn tỉnh những năm gần đây tuy đã có chuyển biến tích cực hơn song vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Nhờ việc mở các lớp tập nói tiếng Việt trong hè cho trẻ mầm non 5 tuổi, tăng cường thời lượng dạy tiếng Việt cho các lớp đầu cấp, phụ đạo học sinh (HS) yếu, đầu tư trường, lớp khang trang... nên chất lượng HS vùng DTTS trên địa bàn tỉnh những năm qua đã tốt hơn, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt tỷ lệ cao. Việc triển khai chương trình Sữa học đường đối với trẻ mầm non, tiểu học và việc tổ chức ăn trưa bán trú tại trường góp phần tăng tỷ lệ HS chuyên cần. Ngành Giáo dục cũng đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách, góp phần động viên cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, HS yên tâm học tập.

 Một lớp học tại Trường Tiểu học Khánh Bình (huyện khánh Vĩnh).

Một lớp học tại Trường Tiểu học Khánh Bình (huyện khánh Vĩnh).

Bên cạnh đó, các trường phổ thông dân tộc nội trú đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới nội dung, phương thức dạy học. Ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá, nhiều trường có tiến bộ nhất định về chất lượng giáo dục văn hóa cho HS, dù chất lượng đầu vào thấp. Những năm qua, các trường đã duy trì việc khảo sát chất lượng HS đầu năm học, phân loại đối tượng HS, tổ chức giảng dạy phụ đạo cho HS yếu kém, dạy tăng tiết đối với các môn thi tốt nghiệp và bồi dưỡng HS giỏi. Đồng thời, quản lý tốt việc học tập chuyên cần của HS, hạn chế tỷ lệ HS nghỉ học dài ngày, tổ chức tự học ban đêm (từ 19 giờ 30 đến 22 giờ) dưới sự quản lý của ban giám hiệu và giám thị. Đây là một biện pháp khá quan trọng nhằm rèn luyện thói quen tự học của HS, nâng cao chất lượng học tập ngoài các giờ lên lớp chính khóa.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cũng được quan tâm hơn. Các buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên đi sâu hơn vào công tác chuyên môn để chia sẻ, đánh giá các giờ dạy, nội dung mang tính hành chính, sự vụ giảm dần. Các trường phổ thông dân tộc nội trú còn tổ chức tốt và thu hút đông HS tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian, giúp HS hứng thú học tập và tăng cường rèn luyện kỹ năng sống…

Còn nhiều khó khăn

Toàn tỉnh hiện có 58 trường mầm non có HS DTTS trên tổng số 205 trường mầm non. Tỷ lệ trẻ mầm non DTTS được huy động ra lớp đạt 52,7%. Ở cấp tiểu học, HS DTTS chiếm tỷ lệ 8%; năm học 2019 - 2020 có 97,2% HS hoàn thành chương trình. Đối với 5 trường phổ thông dân tộc nội trú (tổng cộng gần 990 HS), năm học 2019 - 2020, cấp THCS có 56,8% HS học lực trung bình, 7,7% HS học lực yếu, gần 1,7% HS học lực kém; cấp THPT có 47,8% HS học lực trung bình, hơn 14,8% HS học lực yếu, gần 3,8% HS học lực kém.

Chất lượng giáo dục vùng DTTS, miền núi tuy đã có chuyển biến tích cực hơn trước song vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Kết quả học tập của HS không đồng đều, tình trạng HS lưu ban còn cao, không ít HS nghỉ học vì phải theo gia đình đi xa làm nương rẫy. Bên cạnh đó, đời sống còn nghèo nàn, lạc hậu, nhận thức và nhu cầu học tập của đa số đồng bào DTTS chưa cao cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém về kết quả giáo dục. Một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Do đặc thù khu vực miền núi nên giáo viên hàng năm phải thay đổi và luân chuyển thường xuyên, giáo viên mới thường không có kinh nghiệm giảng dạy, nhất là với đối tượng HS DTTS. Ngoài ra, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, phòng máy vi tính để dạy tin học cho HS ở các trường còn thiếu. Mức hỗ trợ ăn trưa 260.000 đến 290.000 đồng/tháng chưa đảm bảo cho một bữa ăn dinh dưỡng và đa dạng nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao…

Ông Lê Đình Thuần cho biết, năm học 2020 - 2021 và những năm tiếp theo, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục vùng DTTS, miền núi, đồng thời tiếp tục rà soát thực trạng phát triển của hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú, cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi để có phương án quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho HS, chỉ đạo thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng giáo dục của các trường, địa phương để tăng cường các giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế. Việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên sẽ tiếp tục chú trọng hơn đến các nội dung mang tính đặc thù của vùng DTTS như: Giáo dục kỹ năng sống, công tác HS nội trú, đặc điểm tâm lý HS, giáo dục văn hóa dân tộc và tri thức địa phương... Sở cũng sẽ phối hợp với các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường, tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách cho cán bộ, giáo viên và HS...

H.Ngân

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/giao-duc/202011/nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-dan-toc-thieu-so-8193221/