Nâng cao chất lượng hàng hóa thúc đẩy xuất khẩu sang Trung Quốc
Với thị trường 1,4 tỷ dân, trong đó 400 triệu người có mức thu nhập trung lưu, Trung Quốc được đánh giá là thị trường xuất khẩu chiến lược lớn nhất của Việt Nam.
Đồng thời, với vai trò là cầu nối và cửa ngõ xuất - nhập khẩu của ASEAN, Trung Quốc còn góp phần thúc đẩy phát triển giao thương với Việt Nam nhanh và bền vững.
*Đối tác quan trọng
Bộ Công Thương cho biết, Trung Quốc giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ.
Cùng với đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Nhận định từ các chuyên gia cũng cho thấy, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2020 trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ buộc Bắc Kinh phải tính toán lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các quốc gia thành viên của ASEAN đã tăng 2% so với năm trước, lên tới mức 297,8 tỷ USD. Trong giai đoạn này, khối ASEAN cũng chiếm 14,7% tổng thương mại của Trung Quốc, tăng từ mức 14% vào năm 2019.
Thống kê từ Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương), chỉ riêng nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này.
Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau, quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Ông Tô Ngọc Sơn-Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, với dân số đông, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn và đa dạng, phong phú.
Hơn nữa, tại 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể bởi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ.
Chẳng hạn như Sơn Đông có 90,5 triệu người, Hà Nam 90,4 triệu người, Quảng Đông 104,3 triệu người, Tứ Xuyên 80,4 triệu người, Hà Bắc 71,8 triệu người, Giang Tô 75,6 triệu người, Hồ Nam 65,6 triệu người...
Vì vậy, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc có thêm thuận lợi khi hai nước cùng tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) có hiệu lực từ năm 2010 với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm.
Do đó, hàng hóa Việt Nam vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.
* Thay đổi phương thức tiếp cận thị trường
Nhận định từ các chuyên gia thương mại, với mức sống của người dân Trung Quốc được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng, tính an toàn.
Mặc dù, Trung Quốc không còn là thị trường xuất khẩu “dễ tính” nhưng đây vẫn là thị trường có sức mua lớn và là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhất là sau dịch COVID-19 vừa qua.
Do vậy, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng, độ an toàn, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Theo ông Trần Nguyên Trung, một thương lái chuyên thông quan các mặt hàng nông sản theo đường tiểu ngạch, thời gian gần đây sau khi dịch COVID-19 hoàng hành, phía Trung Quốc đã có nhiều biện pháp siết chặt không để hàng hóa lọt qua cách đường ngách. Bởi thế, không chỉ ông Trần Nguyên Trung mà chiều thương lái khác đã chuyển dần theo hướng xuất khẩu chính ngạch để tránh rủi ro.
Đồng quan điểm này, đại diện công ty NutiFood chia sẻ bí quyết “lên kệ” tại hơn 450 chi nhánh của siêu thị Walmart tại Trung Quốc là NutiFood đã phải vượt qua hơn 250 tiêu chuẩn khắt khe do đối tác đề ra.
Ngoài quy trình sản xuất, nguyên vật liệu đạt chuẩn cao, NutiFood phải đáp ứng tất cả các yêu cầu về vấn đề an ninh vận chuyển, chính sách công ty dành cho cán bộ nhân viên, nhà thầu, đối tác, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội... thông qua xuất khẩu chính ngạch.
Theo ông Tô Ngọc Sơn, xu hướng quản lý hiện nay của Trung Quốc là tăng kiểm soát truy xuất nguồn gốc và chất lượng, nhất là xuất khẩu nông sản.
Do đó, để nông- thủy sản, thực phẩm chế biến Việt Nam xuất khẩu một cách bền vững và chính ngạch sang Trung Quốc cũng như tận dụng được những ưu đãi thì các cơ quan hữu quan cần chủ trì đẩy nhanh đàm phán, mở cửa thị trường hàng nông sản với Trung Quốc.
Ông Tô Ngọc Sơn cho biết thêm, trước khi Việt Nam và Trung Quốc chưa phải là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mọi hoạt động thương mại đều là trao đổi thương mại biên giới và chưa có quy phạm nhất định.
Tuy nhiên, khi hai nước trở thành thành viên của WTO và tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), hoạt động thương mại giữa hai bên ngày càng đi vào chính thức hơn.
Từ năm 2008 trở lại đây, Trung Quốc có những chính sách ưu đãi với trao đổi cư dân biên giới, đặc biệt là chính sách cho cư dân biên giới được phép mua hàng từ 2 nước có chung đường biên giới với giá trị 8.000 nhân dân tệ/người/ngày.
Hơn nữa, rất nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc đã lợi dụng chính sách này để “xé lẻ” các mặt hàng nhập khẩu. Mặc dù, hai nước tham gia ACFTA và có thuế quan 0%, nhưng khi nhập khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phải đóng các khoản thuế giá trị gia tăng 10-13%, tùy từng loại mặt hàng.
Ngoài ra, nếu nhập khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới thì sẽ được miễn các loại thuế này. Đây chính là một trong những lý do khiến xuất khẩu tiểu ngạch chưa giảm.
Cũng theo ông Tô Ngọc Sơn, việc nhập khẩu qua đường cư dân biên giới dẫn đến việc kiểm soát chất lượng không được tốt. Rất nhiều mặt hàng chưa được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc nhưng vẫn được xuất khẩu tiểu ngạch.
Điều này dẫn tới tình trạng, có những doanh nghiệp Việt Nam sau nhiều năm trao đổi xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch vẫn “không chịu lớn”. Tức là các doanh nghiệp không tổ chức lại sản xuất, không thực hiện công tác quản lý chất lượng theo đúng quy định của nước nhập khẩu, bị phụ thuộc vào hình thức xuất khẩu tiểu ngạch.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, xuất khẩu sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn do thách thức do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp.
Điều này thể hiện qua việc doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới theo hướng tiểu ngạch, dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa nên hàng hóa chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững.
Vì vậy, để khai thác bền vững thị trường Trung Quốc, ngoài những chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải thay đổi phương thức tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, để có thể xuất khẩu theo hình thức chính ngạch thay vì bị phụ thuộc vào hình thức tiểu ngạch như hiện nay./.