Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra
Thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã tập trung lãnh đạo toàn ngành đổi mới công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC). Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo sự đoàn kết, thống nhất và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh.
Ngay từ đầu năm 2023, Thanh tra tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được giao, kế hoạch đột xuất, trong đó, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, đô thị, nhà ở; tài chính ngân sách; thực hiện chính sách pháp luật về thuế, phí, lệ phí, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị; việc chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực…
6 tháng đầu năm, toàn ngành đã triển khai 71 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính (kỳ trước chuyển sang 24 cuộc) tại 203 đơn vị, ban hành 52 kết luận thanh tra. Qua thanh tra phát hiện vi phạm với số tiền hơn 7,3 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.
Tiến độ, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra đã được nâng lên, nhất là các cuộc thanh tra đột xuất. Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung khắc phục những hạn chế được chỉ ra tại các thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ hằng tháng theo quy định của pháp luật và có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành xem xét, giải quyết nội dung công dân kiến nghị, phản ánh theo thẩm quyền.
Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC có nhiều chuyển biến tích cực; nhận thức và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC được nâng lên.
Thanh tra tỉnh phối hợp với Ban Tiếp công dân của tỉnh, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, kéo dài và các vụ việc phát sinh ngay từ cơ sở; bám sát địa bàn có khiếu kiện để theo dõi, nắm chắc tình hình, từ đó, chỉ đạo và giải quyết kịp thời.
Việc phân loại, xử lý đơn, trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết KNTC và chất lượng công tác kiểm tra, xác minh, đề xuất giải quyết các vụ việc KNTC có chuyển biến tích cực.
Tổ công tác của tỉnh tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch tiến hành rà soát, lập danh sách, làm việc với UBND các huyện, thành phố để nghe báo cáo và trực tiếp chỉ đạo, cho ý kiến đối từng vụ việc cụ thể.
Hằng tháng, Thanh tra tỉnh cùng với UBND huyện, thành phố, sở, ngành tiến hành rà soát, thống kê, theo dõi, hướng dẫn phân loại, xử lý đơn, xác định nội dung và thẩm quyền giải quyết các vụ việc trên địa bàn.
Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, quyết định thanh tra và giải quyết KNTC. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, chất lượng và giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm, có 2.218 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước để KNTC, kiến nghị, phản ánh. Người đứng đầu các cấp đã tiếp công dân 3.476 kỳ, số lượt tiếp là 1.312 lượt với 1.383 người.
Toàn tỉnh tiếp nhận 2.781 đơn (kỳ trước chuyển sang 175 đơn, tiếp nhận trong kỳ 2.606 đơn). Qua xử lý đơn, có 835 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó, có 364 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính các cấp, với 341 vụ việc, còn lại không thuộc thẩm quyền giải quyết. 100% số đơn, số vụ việc đã được các cơ quan thẩm quyền giải quyết xong.
Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị đã triển khai các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhằm góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, phục vụ phát triển KT - XH của địa phương.
Nhận thức, trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và của CB, CCVC, đảng viên trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được nâng lên. Kỷ cương, kỷ luật của đảng viên, CB, CCVC trên địa bàn trong việc thực hiện quy chế làm việc, văn hóa công sở, văn hóa ứng xử, đạo đức nghề nghiệp có chuyển biến rõ rệt...