Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng

* Ông HOÀNG KỲ, Giám đốc Sở Tư pháp trả lời phỏng vấn Báo Quảng Trị

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng của địa phương thời gian qua như thế nào?

- Thưa ông! Đề nghị ông cho biết tình hình phát triển tổ chức hành nghề công chứng của địa phương thời gian qua như thế nào?

- Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 2 phòng công chứng và 4 văn phòng công chứng. Các tổ chức hành nghề công chứng đã kịp thời đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của cá nhân tổ chức. Cụ thể, tại thành phố Đông Hà có 1 phòng công chứng và 2 văn phòng công chứng, ở huyện Vĩnh Linh có 1 văn phòng công chứng, huyện Hướng Hóa có 1 phòng công chứng và huyện Hải Lăng có 1 văn phòng công chứng. Hiện toàn tỉnh có 11 công chứng viên đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng. Hầu hết công chứng viên được bổ nhiệm là cán bộ, công chức của các ngành Công an, Kiểm sát đã về hưu, được miễn đào tạo nghề, giảm thời gian tập sự hành nghề công chứng.

Trên cơ sở căn cứ quy định của Luật Công chứng năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018 và Công văn số 449/BTP-BTTP ngày 12/2/2019 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018, Sở Tư pháp đã thực hiện các biện pháp nhằm định hướng để phát triển các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Qua đó tránh tình trạng tập trung nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên một khu vực, cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật của các tổ chức hành nghề công chứng.

Hoạt động công chứng trong thời gian qua đã góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, góp phần giảm bớt gánh nặng cho biên chế và ngân sách nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

- Hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng còn có những tồn tại, khó khăn gì, thưa ông?

- Thực tế cho thấy các tổ chức hành nghề công chứng chủ yếu tập trung ở các khu vực đông dân cư, khu vực đô thị có nhu cầu về giao dịch, hợp đồng. Ví dụ như thành phố Đông Hà có đến 3 tổ chức hành nghề công chứng, trong khi có nhiều huyện không có tổ chức hành nghề công chứng gây bất tiện cho người dân khi cần giao dịch như huyện Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Đakrông, thị xã Quảng Trị. Luật Quy hoạch bãi bỏ quy định tổng thể phát triển nghề công chứng, nhưng lại không có quy định quản lý khác để thay thế, nên việc triển khai thực hiện ở địa phương vẫn còn lúng túng. Hoạt động công chứng là lĩnh vực đặc thù, hơn nữa việc bỏ quy hoạch làm mất cân đối trong phát triển các tổ chức hành nghề ở các địa bàn. Các quy định liên quan đến công chứng trong Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn thi hành có điểm chưa đồng bộ với Luật Công chứng, dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động công chứng.

 Người dân làm thủ tục công chứng giấy tờ tại Phòng Công chứng số 1 - Ảnh: T.T

Người dân làm thủ tục công chứng giấy tờ tại Phòng Công chứng số 1 - Ảnh: T.T

Mặt khác, nhận thức về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, về bản chất hoạt động công chứng, về chủ trương tách bạch giữa công chứng và chứng thực của một bộ phận cơ quan, cán bộ quản lý nhà nước về công chứng và người dân còn chưa đầy đủ, dẫn đến có tình trạng phân biệt giữa phòng công chứng và văn phòng công chứng.

Luật Công chứng chưa có quy định giới hạn độ tuổi công chứng viên nên trên thực tế một số trường hợp công chứng viên trên 65 tuổi vẫn hành nghề công chứng. Một số công chứng viên còn yếu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ công chứng và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động công chứng còn hạn chế, dẫn đến những sai sót trong hoạt động công chứng. Mặt khác, hiện nay tình trạng xuất hiện các loại giấy tờ giả, kể cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gây khó khăn cho hoạt động công chứng.

- Dự báo trong giai đoạn 2020 - 2025, nhu cầu công chứng, chứng thực của người dân và nhu cầu thành lập thêm các tổ chức hành nghề công chứng ở địa phương sẽ tăng. Vậy theo ông, cần có những định hướng, giải pháp gì để đảm bảo nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng?

- Thời gian qua, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố khảo sát, đánh giá nhu cầu công chứng, chứng thực của người dân cũng như nhu cầu phát triển thêm các tổ chức hành nghề công chứng, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Kế hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong điều kiện bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng và nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần tổ chức triển khai áp dụng tiêu chí và các điều kiện theo quy đinh của Luật Công chứng và pháp luật khác có liên quan để cho phép thành lập văn phòng công chứng. Xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng và ban hành quy chế khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu công chứng theo quy định tại Điều 62, Luật Công chứng.

Sở Tư pháp tỉnh cũng kiến nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu sửa đổi pháp luật về công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, cần chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào của công chứng viên, tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động công chứng. Hoàn thiện thể chế, chính sách về công chứng, thu hút nguồn lực tham gia hoạt động hành nghề công chứng. Đặc biệt chú trọng về chất lượng đội ngũ công chứng viên, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức hành nghề công chứng. Đẩy mạnh chuyển giao việc chứng thực các hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng đối với những địa bàn cấp huyện có tổ chức hành nghề công chứng đảm đương được nhiệm vụ chứng nhận hợp đồng, giao dịch trên địa bàn. Tiến tới việc chuyển giao toàn bộ các hợp đồng, giao dịch do UBND cấp huyện, cấp xã đang chứng thực liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản sang cho các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện. Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về bất động sản, tạo nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng và Văn phòng đăng ký đất đai để khắc phục rủi ro trong hoạt động hành nghề của công chứng viên.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh những sai phạm và những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công chứng. Hướng dẫn, định hướng các công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Luật Công chứng và văn bản hướng dẫn thi hành để phát triển lành mạnh hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Trúc (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152683