Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Sáng 10/8/2023, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tổ chức phiên họp thứ nhất. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp, thông tin về dự thảo Kế hoạch giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối tượng giám sát của chuyên đề này là Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Đoàn giám sát chuyên đề sẽ tập trung xem xét về việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các nội dung như: sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, Đoàn cũng sẽ xem xét nội dung về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công; nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện cơ chế tài chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017 (từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập) đến hết ngày 31/12/2023 trên phạm vi cả nước.
Trong phiên họp thứ nhất, các thành viên Đoàn giám sát cùng các đại biểu đã thống nhất nội dung dự thảo Kế hoạch giám sát. Đồng thời, các thành viên Đoàn đều nhấn mạnh yêu cầu giám sát phải tiến hành đúng pháp luật, bảo đảm tính khách quan, trung thực và đúng tiến độ đã đề ra.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh, công tác giám sát nhằm phát hiện cái hay để phát huy và nhân rộng, đồng thời chỉ ra tồn tại, hạn chế, chưa làm được để tìm giải pháp khắc phục.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị nội dung đối tượng giám sát cần được phân loại, trong đó xác định rõ các cơ quan Đoàn sẽ giám sát trọng tâm; đồng thời, có dự kiến ra một số bộ, địa phương và cơ quan đặc thù.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần bám sát vào Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu Quốc hội.
Về đề cương báo cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW và đối với các bộ, ngành có yếu tố đặc thù phải cụ thể, rõ ràng và đối với các địa phương sẽ là đề cương chung. Đối với kết quả giám sát cũng cần gắn với quan điểm, chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Dự kiến, tại Phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.