Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng
Từ năm 2005, ở cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập trung tâm học tập cộng đồng. Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh đã tích cực tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Những năm qua, các trung tâm học tập cộng đồng trong tỉnh hoạt động sôi nổi hiệu quả, đóng góp thiết thực vào thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhiều trung tâm học tập cộng đồng ở các huyện: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy, Trực Ninh… hoạt động sôi nổi. Trung tâm học tập cộng đồng xã Hải Thanh (Hải Hậu) hàng năm đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các chuyên đề cụ thể về chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, nữ công gia chánh, kiến thức làm mẹ, khuyến học… Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm đã mở 35 lớp học nghề cho 3.155 lượt học viên. Trong đó, riêng về sản xuất nông nghiệp thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Viện Nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức 8 lớp tập huấn kỹ thuật cho 135 lượt học viên về “Nuôi - phòng và điều trị bệnh ở cá nước ngọt”; phối hợp với Viện Dược liệu và Công ty Cổ phần Traphaco mở 3 lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu hái cây đinh lăng cho các hộ dân. Nhiều hộ đã tận dụng đất chuyển đổi, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng đinh lăng với quy mô 1.000-3.000m2; tiêu biểu như hộ ông Lâm Văn Tuyến xóm Trần Cường, hộ ông Phùng Văn Phê xóm Nguyễn My trồng trên 2.000m2… Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức 12 lớp tập huấn hướng dẫn cho 516 lượt lao động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng… Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Hướng nghiệp và Dạy nghề huyện, các công ty, doanh nghiệp mở 8 lớp dạy về nghề may mặc, hàn xì, mộc, móc sợi cho những lao động có nhu cầu học nghề tại địa phương, thu hút gần 800 học viên tham gia. Kết thúc các khóa học, người lao động đều tìm được việc làm cho thu nhập ổn định. Những kiến thức thu nhận được từ Trung tâm học tập cộng đồng xã đã góp phần giúp đời sống của các hộ dân trong xã nâng lên, tạo sự bền vững trong giảm nghèo.
Còn Trung tâm học tập cộng đồng xã Hải Long (Hải Hậu) xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng tháng trong năm, tập trung vào các chuyên đề: Vận động học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm văn hóa nghề; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng lúa, chăn nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; mở các lớp dạy nghề, truyền nghề; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ môi trường; truyền thông dân số; tuyên truyền, phổ biến pháp luật; nâng cao trình độ tin học cho cán bộ, giáo viên, nhân dân; thực hiện công tác phổ cập; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các đoàn thể, tổ chức xã hội. Mỗi năm Trung tâm mở từ 15-20 lớp, thu hút 1.500-2.000 học viên tham gia. Từ năm 2012 đến nay, Trung tâm đã mở được trên 100 lớp, thu hút hơn 12 nghìn lượt học viên tham gia học tập…
Tại Trung tâm học tập cộng đồng xã Xuân Kiên (Xuân Trường) trong mỗi buổi học chuyên đề có hàng trăm học viên đến nghe các chuyên đề tập trung vào các vấn đề: Đưa giống mới, năng suất cao thay thế giống cũ; cách phòng trừ dịch bệnh cho người và gia súc... Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng đã đóng góp tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Ngoài ra, Trung tâm đã tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mở các lớp đào tạo nghề cho người lao động. Với việc nắm vững kỹ thuật, người dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tích cực chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Trung tâm học tập cộng đồng xã Yên Cường (Ý Yên) phối hợp với Viện Di truyền nông nghiệp, Công ty Xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) tổ chức 7 lớp tập huấn cho 545 học viên về kỹ thuật trồng, chăm bón cây ăn quả và rau an toàn; phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức 5 lớp tập huấn cho 472 học viên về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình, phòng ngừa sâu bệnh trên cây trồng; phối hợp với Trung tâm Đậu đỗ Trung ương mở 3 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng giống lạc, giống ngô mới có năng suất cao, cho 285 lượt học viên. Hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng xã Yên Cường đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn xã.
Hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao dân trí, kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống cho nhân dân. Để đạt được điều đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện về cơ sở vật chất; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; mời cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên môn, có kinh nghiệm, nhiệt tình giảng dạy các lớp chuyên đề. Nhiều xã, thị trấn còn hỗ trợ học viên sách, bút để thu hút, động viên người dân đến lớp. Nhiều địa phương chăm lo, tạo điều kiện cho các Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả; tiêu biểu như các xã, thị trấn: Hải Long, Hải Châu, Hải Phương, Yên Định (Hải Hậu); Nam Thái, Nam Hồng, Nam Thắng, Nam Điền, Nam Cường, Nam Thanh (Nam Trực); Nghĩa Tân, Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng); Trực Cường, Phương Định, Trực Nội (Trực Ninh); Xuân Ngọc, Xuân Tiến (Xuân Trường); Minh Tân, Kim Thái (Vụ Bản); Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tân (Mỹ Lộc); Giao Hà, Hồng Thuận và Ngô Đồng (Giao Thủy).
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động còn bị động, lúng túng trong nội dung, chương trình mở lớp, trong phối hợp để duy trì hoạt động… Để nâng cao chất lượng và tính bền vững của các Trung tâm học tập cộng đồng, thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm chỉ đạo, ban hành các cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nội dung các chuyên đề cần đa dạng, phong phú, thiết thực với cuộc sống lao động, sản xuất và văn hóa tinh thần của nhân dân./.