Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Sáng 16-5, tại Hà Nội, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).
Bổ sung cụ thể nhiều quy định đổi mới
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra. Về cơ bản, Ủy ban pháp luật tán thành với sự cần thiết, những yêu cầu, quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung và các nội dung cơ bản của dự thảo Luật như đã nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. So với Luật tổ chức Quốc hội hiện hành, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về tổ chức và hoạt động của Quốc hội để phù hợp với chủ trương đổi mới của Đảng, phù hợp với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, nội dung của dự thảo Luật cần được bổ sung nhiều quy định đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, cụ thể hóa hơn nữa quy định của Hiến pháp về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, điều kiện bảo đảm để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Ủy ban Pháp luật tán thành quy định như dự thảo Luật. Theo đó, trên cơ sở tổng kết, cần thu hút các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức, mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan được quy định trong các văn bản khác vào Luật tổ chức Quốc hội, bảo đảm đây là luật gốc quy định về tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.
Còn những vấn đề khác, cần tiếp tục quy định trong các luật khác như Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật ngân sách nhà nước, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế, Luật kiểm toán nhà nước…
Một số ý kiến cho rằng, Hiến pháp đã quy định rõ về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của Quốc hội nên nhiệm vụ của Luật tổ chức Quốc hội là cụ thể hóa các quy định này của Hiến pháp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật vẫn còn một số quy định chỉ nhắc lại quy định của Hiến pháp mà chưa được chuyển hóa thành các nội dung chi tiết, cụ thể hơn (chẳng hạn như Điều 1, Điều 2, Điều 3, Điều 6, Điều 30,…). Do đó, đề nghị nghiên cứu để quy định chi tiết, cụ thể hơn.
Đại biểu là “trung tâm” và “hạt nhân”
Tại phiên họp, nhiều đại biểu đã cho ý kiến về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành bên cạnh việc bổ sung các quyền cho đại biểu Quốc hội, thì cũng cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình.
Tuy nhiên, theo một số đại biểu, cần cân nhắc một cách thận trọng các quy định này để cân đối với khả năng thực hiện của đại biểu trong điều kiện thực tiễn của nước ta hiện nay để bảo đảm tính khả thi của các quy định của Luật.
Thí dụ, quy định đại biểu Quốc hội phải dành tối thiểu 1/3 thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Hơn nữa, mỗi năm một lần đại biểu phải báo cáo với cử tri về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình, việc tổ chức hội nghị cử tri góp ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội...
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, để có tính khả thi quy định 1/3 dành thời gian dành cho hoạt động của Quốc hội, đề nghị nghiên cứu trong dự thảo Luật quy định quyền của đại biểu Quốc hội được ưu tiên lựa chọn công việc khi có công việc chồng lấn. Lúc đó, công việc hoạt động Quốc hội được ưu tiên lựa chọn đầu tiên. “Điều đó khắc phục tình trạng họp các ủy ban, Hội đồng, đại biểu Quốc hội lại vắng mặt, vì công việc đang kiêm nhiệm. Qua nhiều nhiệm kỳ rồi tính trạng này vẫn chưa khắc phục được” - đại biểu Trương Thị Mai nêu.
Bàn về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn phân tích thêm, mỗi năm đại biểu Quốc hội dự hai kỳ họp, tham gia bốn lần tiếp xúc cử tri, ngoài ra tham gia các hoạt động giám, hoạt động của Ủy ban. “Cần quy định thời lượng hoạt động Quốc hội của đại biểu ít nhất một nửa thời gian, nếu 1/3 vẫn chưa đủ”- đại biểu này nói.
Phó Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và một số đại biểu cho rằng, bên cạnh đề cao vai trò cá nhân đại biểu Quốc hội theo hướng là “trung tâm” và “hạt nhân”, tăng cường năng lực, thẩm quyền và trách nhiệm hơn nữa, cần xem xét vai trò Đoàn đại biểu giữ vai trò là nơi tổ chức hoạt động, tạo điều kiện làm việc của đại biểu Quốc hội.
Về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành với việc tăng số lượng tối thiểu từ 25% lên 40% để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội đã được nêu trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Xem xét nâng cấp các Ban của Quốc hội
Về việc nâng các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành Ban thuộc Quốc hội (Điều 114 và Điều 115), nhiều ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, mặc dù trong Tờ trình và dự thảo Luật đã đề xuất nâng Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành các Ban thuộc Quốc hội, nhưng chưa có lý giải thật thuyết phục vì sao phải nâng lên thành Ban thuộc Quốc hội, chưa làm rõ mô hình, tính chất hoạt động và sự khác nhau giữa các cơ quan thuộc Quốc hội và cơ quan của Quốc hội...
Phó Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền và một số đại biểu đề nghị tiếp tục quy định các Ban này là Ban thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội như hiện nay. Một số ý kiến đại biểu việc nâng cấp đơn vị này thuộc Quốc hội cần có thuyết minh rõ hơn, thuyết phục hơn trước khi trình ra xin ý kiến Quốc hội.
Tham gia ý kiến về dự thảo luật, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đại biểu Quốc hội là trung tâm của Quốc hội. Cần quy định cụ thể, thật rõ chức năng, quyền hạn của đại biểu thế nào? Kể cả các quyền bỏ phiếu miễn nhiệm, bãi nhiệm các đại biểu khác, hay quyền đăng ký thành viên, ủy viên chính thức tham gia hoạt động chính tại một ủy ban, hoặc Hội đồng. Chủ tịch Quốc hội đề xuất, cần nói rõ hơn, chặt chẽ chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trong dự thảo Luật.
Số lượng đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo luật nêu mỗi khóa 500 đại biểu là hợp lý. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn lại cho rằng, dân số nước ta càng ngày càng tăng, vì thế không nên quy định “cứng” 500 đại biểu, cần có “độ mở” tương đối, khoảng 550- 600 đại biểu. “15 năm qua, qua các nhiệm kỳ, Quốc hội vẫn giữ con số 500 đại biểu”- đại biểu kiến nghị xem xét thêm nội dung này.
Về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (Điều 116) trong dự thảo luật:
Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc quy định trong dự thảo Luật về chức danh Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến băn khoăn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội. Cần quy định rõ hơn về các Ủy viên thư ký, họ là đại biểu Quốc hội hay là các công chức thuộc bộ máy giúp việc; nếu vẫn gồm các đại biểu Quốc hội thì liệu có khắc phục được tình trạng hoạt động hình thức như Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội hiện nay hay không?
Mối quan hệ công tác giữa Tổng thư ký Quốc hội, các Ủy viên thư ký với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thực hiện các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội như thế nào?