Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp ngành giáo dục và đào tạo

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Quảng Trị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, việc tổ chức lại hệ thống trường mầm non và trường phổ thông công lập để hình thành trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học, THCS, THPT) hoặc cùng cấp học có quy mô hợp lý. Sau khi sáp nhập, trường có chung bộ máy quản lý, phục vụ và có một điểm trường chính, các điểm trường khác không thể sắp xếp lại được vẫn cơ bản giữ nguyên để đảm bảo khoảng cách đến trường theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT; đội ngũ giáo viên được sắp xếp bố trí lại đảm bảo dạy đúng chuyên môn, đủ số tiết theo quy định. Tính đến nay, toàn tỉnh có 378 cơ sở giáo dục công lập, giảm 108 đơn vị so với trước khi thực hiện sáp nhập.

 Lễ công bố quyết định sáp nhập trường học theo quy định của trung ương và bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục ở Triệu Phong - Ảnh: TV

Lễ công bố quyết định sáp nhập trường học theo quy định của trung ương và bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục ở Triệu Phong - Ảnh: TV

Đối với việc tổ chức lại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, tuy chưa xác định được mô hình và hướng đi phù hợp nhưng để đảm bảo duy trì hoạt động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực nhà nước đã đầu tư, UBND tỉnh đã sắp xếp lại cơ cấu tổ chức từ 17 khoa, phòng thành 9 khoa, phòng; đồng thời thành lập Trường Phổ thông liên cấp (tiểu học, THCS, THPT) thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị bước đầu phát huy hiệu quả.

Trên lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tỉnh thành lập Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Trường Trung cấp Nghề thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trường Trung cấp Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, bộ phận dạy nghề của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh thuộc Hội Nông dân tỉnh (giảm 1 đơn vị).

Sáp nhập 3 trung tâm (Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề tổng hợp) thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND cấp huyện (giảm 17 đơn vị). Sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tổng hợpHướng nghiệp tỉnh vào Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên Đông Hà, thuộc UBND thành phố Đông Hà (giảm 1 đơn vị). Sau khi tổ chức lại, toàn tỉnh giản 19 đơn vị, hiện còn 12 đơn vị gồm: 2 trường cao đẳng nghề thuộc UBND tỉnh (Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Trường Cao đẳng Y tế), 1 Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải (tự chủ 100%), 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên thuộc UBND huyện.

UBND tỉnh đã phê duyệt giao quyền tự chủ tài chính cho 25 đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT. Các đơn vị sự nghiệp công lập giáo dục khác đang rà soát, hoàn thiện phương án tự chủ tài chính, trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Việc quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục đã được kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thực hiện việc tuyển dụng kịp thời, bố trí người làm việc phù hợp với vị trí việc làm và khung năng lực đã được phê duyệt. Việc phân loại viên chức thực hiện theo tính chất, nội dung công việc của vị trí việc làm; số người làm việc thuộc nhóm chuyên môn, nghiệp vụ chiếm tỉ lệ ít nhất 65% trong tổng số người làm việc được phê duyệt. Tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai thực hiện đồng bộ việc tuyển dụng công chức, viên chức theo quy định mới và thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Trị tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, chuyển đổi cơ chế tài chính, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo vị trí việc làm. Giảm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển dịch vụ công cơ bản thiết yếu và ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Theo đó, giai đoạn 2022 - 2025, có 100% đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập thuộc tỉnh được tổ chức lại đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật. Tiếp tục giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập. 100% đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập bố trí người làm việc theo vị trí việc làm được phê duyệt. Tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016 - 2020.

Đối với giai đoạn 2026- 2030, tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và đơn vị cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu. Giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025. Giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021 - 2025.

Để việc thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đạt hiệu quả cao hơn, UBND tỉnh đề nghị trung ương cần có cơ chế, chính sách phù hợp hơn với yêu cầu thực tế, trong đó có việc xem xét bổ sung tối thiểu 406 chỉ tiêu người làm việc hưởng lương ngân sách nhà nước còn thiếu trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập để đáp ứng công tác dạy học năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=171371&title=nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-don-vi-su-nghiep-nganh-giao-duc-va-dao-tao