Nâng cao chất lượng hình thành các biểu tượng toán giúp trẻ phát triển toàn diện
Việc hình thành các biểu tượng toán từ nhỏ giúp trẻ làm quen với thế giới xung quanh và diễn đạt dễ dàng hơn với ngôn ngữ nói.
Nâng cao chất lượng hình thành các biểu tượng toán cho trẻ từ lứa tuổi mầm non là cần thiết. Mỗi độ tuổi có những nội dung để hình thành các biểu tượng về toán cho trẻ khác nhau.
Với các bé lớp nhà trẻ, khả năng so sánh, phân tích; khái quát của trẻ còn kém nên khi nhận biết còn chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài: Hình dạng, kích thước, sự sắp xếp trong không gian… Hình thành biểu tượng toán cho trẻ cần dựa vào vốn kinh nghiệm và kiến thức; mà trẻ đã có gần gũi với biểu tượng cần hình thành.
Có nhiều cách để các bé làm quen với toán như; cô tạo cơ hội hứng thú cho trẻ tiếp thu kiến thức là điều kiện để trẻ sử dụng các hiểu biết; đã có để giải quyết các tình huống trong thực tế; từ đó giúp cô đánh giá khả năng của trẻ. Bên cạnh đó là hoạt động tự nhiên của trẻ; trẻ làm theo ý thích và không có mục đích.
Chúng tôi cho rằng, trong các hoạt động giáo dục trẻ ở trường Mầm non thì hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo “Trẻ học bằng chơi, chơi bằng học”. Cùng với đó là hoạt động học tập được thể hiện qua các giờ hoạt động chung có chủ đích, cung cấp chủ yếu hệ thống hóa những kiến thức, kỹ năng cho trẻ đặc biệt là bộ môn “Làm quen với toán”.
Nhận thức về toán học có liên quan mật thiết với quá trình phát triển toàn diện của trẻ, thông qua toán học sớm hình thành ở trẻ khả năng tìm tòi, quan sát, khám phá, so sánh, phân tích, tổng hợp các sự vật hiện tượng khách quan. Trên cơ sở đó bổ sung thêm vốn ngôn ngữ và góp phần tích cực vào việc phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ.
Là cán bộ quản lý, chúng tôi nhận thấy rằng cần có những giải pháp nâng cao chất lượng hình thành các biểu tượng toán cho trẻ từ lứa tuổi mầm non như: Tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ “Làm quen với toán”, đây là một trong các môn học ở trường mầm non nằm trong lĩnh vực phát triển nhận thức.
Đặc biệt, làm quen với toán ở trẻ 5-6 tuổi có vị trí quan trọng trong việc giáo dục trí tuệ cho trẻ, đặt nền móng cho sự phát triển tư duy, năng lực nhận biết của trẻ, góp phần vào sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ và chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1.
Trong các giờ hoạt động làm quen với toán, giáo viên giúp trẻ thực hiện một số thao tác, kỹ năng như kỹ năng xếp tương ứng 1-1, kỹ năng sắp xếp theo quy tắc, kỹ năng đếm, thêm bớt, định hướng trong không gian... Ngoài ra giáo viên còn tổ chức cho trẻ trải nghiệm với các đồ dùng đồ chơi tự tạo để trẻ phát triển tư duy và trí tuệ.
Đồ dùng đồ chơi rất quan trọng và thiết thực cho việc tổ chức các hoạt động hình thành biểu tượng sơ đẳng về toán cho trẻ mầm non, để tăng tính hấp dẫn của giờ học chúng tôi luôn vận động phụ huynh ủng hộ nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương như: thanh tre, gỗ vụn, hộp giấy, hột hạt, chai, ống nhựa...tạo ra những đồ dùng học tập đẹp, kích thước phù hợp, an toàn, phong phú hấp dẫn lạ mắt có nội dung gắn bó với cuộc sống của trẻ phù hợp với từng chủ đề.
Chúng tôi cũng chú ý đến việc lồng ghép tích hợp các hoạt động, dùng thủ thuật tạo tình huống gây hứng thú hút trẻ vào bài. Làm quen với toán đối với trẻ thường khô khan và cứng nhắc; nên chúng tôi luôn lồng ghép các môn học khác hoặc tạo tình huống bất ngờ và tận dụng cơ hội để giúp trẻ vào bài một cách nhẹ nhàng thoải mái, giúp trẻ lĩnh hội được kiến thức kĩ năng mà cô truyền tải một cách có chủ đích.
Xây dựng tổ chức cho trẻ hoạt động tùy thuộc vào điều kiện của lớp, không gian hoạt động và phù hợp với chủ đề và cho trẻ tự khám phá hoạt động. Cô giáo có nhiệm vụ quan sát, gợi mở và động viên để trẻ tự mình khám phá, trải nghiệm. Cô có thể chia theo các tổ, nhóm rồi đến từng tổ đặt ra những câu hỏi để gợi mở cho trẻ, giúp trẻ nhớ lâu hơn và có được kiến thức sâu rộng hơn.
Song song với đó, chúng tôi đa dạng hóa hình thức dạy học ở trường mầm non thông qua việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy, giúp trẻ được thay đổi không khí mới, hấp dẫn, trong giờ học, tạo cho trẻ niềm hứng thú, hăng say tích cực tham gia vào hoạt động, làm cho hiệu quả giáo dục cao.
Thường xuyên kết hợp với gia đình. "Làm quen với toán" là môn học rất khó vì thế việc dạy trẻ trong giờ học thôi vẫn chưa đủ mà cần phải thường xuyên kết hợp với gia đình, giáo dục thông tin hai chiều là rất có lợi, giúp gia đình và giáo viên có chung quan điểm giáo dục trẻ.
Qua các buổi họp phụ huynh, các giờ đón và trả trẻ chúng tôi luôn dành thời gian trao đổi nội dung dạy trẻ làm quen với toán. Nếu thấy trẻ còn yếu ở mặt nào tôi trao đổi kịp thời và yêu cầu phụ huynh cùng phối hợp để khắc phục
Xây dựng môi trường học tập trong và ngoài lớp là một yếu tố quan trọng giúp trẻ cảm nhận được môi trường thân thiện khi trẻ đến lớp mỗi ngày. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên quan tâm và xây dựng môi trường lớp học của mình một cách an toàn, thân thiện.
Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng hình thành các biểu tượng toán cho trẻ ở Trường mầm non Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và Trường Mầm non Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) đã mang lại hiệu quả cao trong việc hình thành biểu tượng toán sơ đẳng cho trẻ ở lứa tuổi mầm non, đặc biệt trẻ 5-6 tuổi.
Chất lượng hình thành biểu tượng toán sơ đẳng cho trẻ 5-6 tuổi được nâng lên rõ rệt, trẻ có: Kiến thức, kĩ năng nhận biết tách gộp về số lượng hai đối tượng. Kiến thức, kĩ năng định hướng trong không gian. Kiến thức, kĩ năng phân biệt các khối, các hình học cơ bản... Trẻ thực sự thích thú học môn toán, tích cực tham gia vào các hoạt động khi cô gợi mở hoặc yêu cầu.
Nội dung trên do cô giáo Vũ Thị Thành - Phó hiệu trưởng trường mầm non Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) và cô giáo Trần Thị Sợi - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Trung Hà, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) thực hiện.