Nâng cao chất lượng hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh
Sáng 12-1, hơn 140 cán bộ quản lý phòng GD-ĐT, các trường mầm non có tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh trên địa bàn TPHCM đã tham gia Hội thảo 'Đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT' do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức.
Hơn 1.200 cơ sở tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 1.218 cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh.
Trong đó, có 449 trường công lập, 401 trường dân lập hoặc tư thục và 368 lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Qua thống kê, có hơn 156.000 trẻ tham gia chương trình làm quen tiếng Anh, chiếm tỷ lệ 57,37% học sinh mẫu giáo trên địa bàn. Trong đó, độ tuổi 5-6 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 62,28%, giảm dần ở độ tuổi 4-5 tuổi (56,77%) và 3-4 tuổi (51,85%).
Tính đến tháng 1-2024, có tổng cộng 18 chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo được Bộ GD-ĐT thẩm định và cấp phép.
Tại TPHCM, có hơn 50 công ty và 130 trung tâm ngoại ngữ, Anh ngữ phối hợp với các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh với thời lượng 2 buổi/tuần, thời gian học dao động từ 25-40 phút tùy thuộc độ tuổi của trẻ.
Đánh giá kết quả triển khai chương trình, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, việc tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp trẻ sớm làm quen ngôn ngữ thứ hai, mạnh dạn và tự tin hơn trong giao tiếp.
Bên cạnh đó, hoạt động làm quen tiếng Anh tạo cơ hội cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh theo nhiều hình thức đa dạng với phương châm “chơi mà học”, đảm bảo tính khoa học, vừa sức, liên thông giữa các độ tuổi và phát triển năng lực giao tiếp.
Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ trẻ được làm quen tiếng Anh tại các nhóm lớp độc lập tư thục còn thấp, trẻ thuộc diện cận nghèo ở khu vực ngoại thành chưa có điều kiện tham gia chương trình.
Ở một số cơ sở giáo dục, số lượng trẻ tham gia trong giờ làm quen tiếng Anh còn đông, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học; vẫn còn tình trạng giáo viên thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm mầm non.
Nâng cao năng lực cho giáo viên
Bà Nguyễn Thị Kim Uyên, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận 10, cho biết, việc tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được các trường triển khai trên tinh thần tiếp thu ngôn ngữ tự nhiên, không gây áp lực cho trẻ thông qua trò chơi, hát múa, đọc truyện tranh...
Để nâng cao chất lượng giảng dạy, đại diện quận 10 kiến nghị các trường cao đẳng, đại học sư phạm tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm mầm non cho giáo viên nước ngoài.
Ở góc độ khác, theo ông Nguyễn Bá Lĩnh, chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, nguồn giáo viên đủ điều kiện tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh hiện nay còn hạn chế.
Việc thuê giáo viên nước ngoài hoặc giáo viên Việt Nam đáp ứng yêu cầu giảng dạy thực hiện từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, mức thu học phí cho hoạt động này còn hạn chế dẫn đến khó khăn cho cơ sở giáo dục trong việc hợp đồng với đơn vị cung cấp giáo viên dạy tiếng Anh.
Đại diện các trường đều cho rằng, cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đánh giá định kỳ, song song với việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt, tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện, đây là lần đầu tiên ngành giáo dục và đào tạo thành phố "bàn sâu, nói thẳng" về thực tế triển khai hoạt động cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh.
"Số liệu thống kê tỷ lệ trẻ được làm quen tiếng Anh chưa thể khiến chúng ta yên tâm, đặc biệt ở khối các trường dân lập, tư thục và nhóm lớp độc lập tư thục. Để học ngôn ngữ thứ hai thật chuẩn, chúng ta cần tăng cường quản lý kiểm tra và đánh giá việc cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh. Như thế, cần nhân rộng mô hình đánh giá chất lượng cao theo chuẩn quốc tế như các chuẩn tiếng Anh khác. Việc khảo sát đánh giá Chương trình cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh cần có cơ sở để thực hiện theo chuẩn. Trong thời gian tới, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng, nhân rộng mô hình có chất lượng, xây dựng kế hoạch triển khai với giải pháp phù hợp đặc thù riêng của địa phương", Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ.
Trong quá trình triển khai, các địa phương cần nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước, tăng cường phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ với phòng GD-ĐT, đơn vị trường học nhằm nâng cao hiệu quả triển khai.
Ông James Moran, Giám đốc học vụ EMG Education, cho biết, tháng 8-2023, được sự cho phép của Sở GD-ĐT TPHCM, EMG Education đã thí điểm khảo sát đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại 3 cơ sở giáo dục gồm Mầm non Thành phố, Mầm non Nam Sài Gòn và Mầm non 19/5 Thành phố.
Công cụ đánh giá nhằm mục đích thu thập thông tin về năng lực tiếng Anh ở các kỹ năng nghe, nói, tiền đọc viết của trẻ dựa trên thang đo chuẩn quốc tế GSE Pre-Primary Framework do tổ chức giáo dục Pearson phát triển. Qua đó, kết quả đánh giá giúp các cơ sở giáo dục điều chỉnh và định hướng kế hoạch triển khai các hoạt động. Bộ công cụ được thực hiện trên thiết bị máy tính bảng, mang lại nhiều lợi ích so với phương pháp đánh giá truyền thống trên giấy, kết hợp các tính năng tương tác, hoạt động trực quan sinh động giúp bài khảo sát trở nên hứng thú hơn với trẻ.