Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn sau sáp nhập

Sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp tổ chức Công đoàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, Công đoàn Đồng Nai mới quản lý trực tiếp gần 2,3 ngàn Công đoàn cơ sở (CĐCS) và trên 700 ngàn đoàn viên.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Nhàn hỏi thăm hoàn cảnh người lao động khó khăn trong Tháng Công nhân năm 2025. Ảnh: T.My

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bùi Thị Nhàn hỏi thăm hoàn cảnh người lao động khó khăn trong Tháng Công nhân năm 2025. Ảnh: T.My

Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn trở thành nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Đặc biệt, với số lượng đoàn viên tăng lên, đòi hỏi tổ chức Công đoàn sâu sát cơ sở, ổn định việc làm, đời sống người lao động (NLĐ), từ đó tạo động lực để NLĐ yên tâm làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh.

Nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra

Từ ngày 1-7, một số cán bộ, viên chức Công đoàn Bình Phước (cũ) đã đến Đồng Nai làm việc và bắt tay vào nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Trong ngày làm việc đầu tiên sau khi hợp nhất 2 tỉnh, đội ngũ cán bộ, viên chức bắt nhịp nhanh công việc để thực hiện các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm 2025. Trọng tâm là thực hiện tốt vai trò cốt lõi trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Đức Thắng cho hay, với khoảng 14 cán bộ, viên chức Công đoàn Bình Phước (cũ) đến tỉnh Đồng Nai mới công tác, tất cả đều sẵn sàng tâm lý làm việc hiệu quả và thể hiện quyết tâm cao. Bên cạnh việc chủ động thích ứng nhanh công việc trong tình hình mới, Công đoàn sẽ nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả nhằm tạo dấu ấn, niềm tin, sự kỳ vọng với đoàn viên, NLĐ.

Việc hoàn tất sắp xếp, tinh gọn bộ máy Công đoàn không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là bước chuyển mình, tạo nền tảng vững chắc để Công đoàn tỉnh phát huy tối đa vai trò của mình. Qua đó, nâng cao năng lực đại diện, bảo vệ quyền cho NLĐ; đồng thời, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.

Theo LĐLĐ tỉnh, sau khi sáp nhập, sắp xếp, dù tổ chức Công đoàn có thay đổi về mô hình, quy mô, đội ngũ cán bộ Công đoàn vẫn giữ vững tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, nỗ lực, linh hoạt thích ứng với yêu cầu mới, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. LĐLĐ tỉnh đã quán triệt các ban, cán bộ Công đoàn phải rà soát lại từng mảng chuyên đề, từng lĩnh vực cụ thể để theo dõi hoạt động CĐCS được sâu sát, kịp thời, đảm bảo công việc được diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa XI (nhiệm kỳ 2023-2028) do LĐLĐ tỉnh tổ chức mới đây, LĐLĐ tỉnh đặt mục tiêu trong 6 tháng cuối năm, Công đoàn Đồng Nai sớm ổn định tổ chức, tiếp tục chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, NLĐ. Trong đó, làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ, đoàn viên, NLĐ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2025.

Nâng cao năng lực cho cán bộ Công đoàn

Nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn không chỉ góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ, mà còn giúp củng cố niềm tin của đoàn viên, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự đổi mới, quyết tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, đoàn viên trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, từ tháng 7-2025, với phạm vi quản lý đoàn viên và CĐCS mở rộng, nhiệm vụ của Công đoàn Đồng Nai sẽ cao hơn. Theo đó, từng cán bộ Công đoàn phải nâng cao năng lực điều hành, kỹ năng tổ chức và khả năng bao quát. Công đoàn không chỉ đại diện, chăm lo đời sống của NLĐ, mà còn là cầu nối gắn kết giữa doanh nghiệp và NLĐ. Bên cạnh đó, tham gia vào công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, pháp luật, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp cho NLĐ.

Anh Trần Văn Chiến, công nhân Công ty TNHH Sơn Hà (phường Tam Hiệp), cho hay anh mong muốn cán bộ Công đoàn sẽ có nhiều chuyến đi về cơ sở, đến doanh nghiệp, nhà trọ để hiểu rõ đời sống, việc làm của NLĐ. Bên cạnh đó, gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ kịp thời. Khi đoàn viên được chia sẻ và bảo vệ, sẽ luôn đặt niềm tin vào tổ chức Công đoàn.

Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Dona Pacific (Khu công nghiệp Sông Mây, xã Bình Minh) Đặng Thị Thơm cho hay, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở, chăm lo đời sống đoàn viên. Việc sáp nhập Công đoàn 2 tỉnh sẽ tạo sức mạnh để tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 96 năm hình thành và phát triển. CĐCS kỳ vọng Công đoàn cấp trên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối và cung cấp thông tin kịp thời đến đoàn viên; đồng thời, tăng cường công tác giám sát, bảo vệ quyền lợi NLĐ.

LĐLĐ tỉnh cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ CĐCS, LĐLĐ tỉnh đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động. Nhiều cán bộ CĐCS tham gia xây dựng và giám sát thực hiện thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động đối thoại định kỳ giữa NLĐ và doanh nghiệp. Ngoài ra, tăng cường các hoạt động phúc lợi, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo môi trường đoàn kết, gắn bó.

Thảo My

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202507/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-doan-sau-sap-nhap-601126a/