Nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán

Tính đến ngày 30-11, Kiểm toán nhà nước khu vực VII đã tổ chức triển khai hoàn thành 6 cuộc kiểm toán theo kế hoạch kiểm toán năm 2023. Đến nay, đơn vị đã phát hành báo cáo kiểm toán của 4/4 cuộc kiểm toán đợt 1, 2 và tổ chức thông qua dự thảo báo cáo kiểm toán của 2 cuộc kiểm toán đợt 3 theo kế hoạch. 2 đoàn kiểm toán đợt 3 đang hoàn thiện dự thảo báo cáo kiểm toán để trình phát hành theo quy định.

Trong đó, một số cuộc kiểm toán có kết quả đáng chú ý như: Kiểm toán chuyên đề "Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại tỉnh Yên Bái", Kiểm toán hoạt động "Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La"...

Tổng số kiến nghị kiểm toán của các báo cáo kiểm toán là 1.407.505,3 triệu đồng (tăng thu ngân sách 4.559,3 triệu đồng; thu hồi nộp ngân sách nhà nước các khoản chi sai quy định 78.977,2 triệu đồng; thu hồi kinh phí thừa 1.180.550,2 triệu đồng; giảm dự toán, giảm thanh toán 89.579 triệu đồng; thu hồi nộp khác 9.774,6 triệu đồng; kiến nghị khác 44.065 triệu đồng).

Theo Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII Ngô Minh Kiểm, để đạt được những kết quả này, trước hết là nhờ đơn vị đã bám sát quy định của ngành về hoạt động kiểm toán; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán.

 Đến nay, Kiểm toán Nhà nước khu vực VII đã hoàn thành 6 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Ảnh: VĂN TOÀN

Đến nay, Kiểm toán Nhà nước khu vực VII đã hoàn thành 6 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Ảnh: VĂN TOÀN

Theo đó, ngay từ khâu khảo sát, thu thập thông tin, đơn vị đã phân công cho các phòng chủ động theo dõi nắm bắt tình hình tài chính, ngân sách của địa phương thuộc địa bàn được phân công để xây dựng kế hoạch trình Tổng Kiểm toán nhà nước và các vụ chức năng theo quy định. Đáng chú ý, đơn vị đã chú trọng chuẩn bị từ sớm, đổi mới ngay từ các khâu trước khi tiến hành kiểm toán, qua đó giảm gây ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán, giảm phát sinh trong quá trình triển khai kiểm toán.

Thông tin thêm về vấn đề này, Trưởng phòng Phòng tổng hợp Nguyễn Quang Hợp cho biết, trên tinh thần tập trung cao độ vào kế hoạch kiểm toán nên ngay từ đầu năm, đơn vị đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc kiểm toán như nhân sự tham gia kiểm toán, công tác khảo sát thu thập thông tin xây dựng kế hoạch kiểm toán… Mọi hoạt động liên quan đến cuộc kiểm toán, từ khâu chuẩn bị đến triển khai thực hiện đều được kiểm soát chặt chẽ và điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế cũng như chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.

“Công tác khảo sát lập kế hoạch kiểm toán được thực hiện dưới hình thức gửi hồ sơ tài liệu qua email và thư báo kết hợp với trực tiếp xuống khảo sát tại các địa phương. Qua đó, đã góp phần cải cách hành chính, hạn chế ảnh hưởng đến đơn vị; tiết kiệm thời gian, chi phí đi khảo sát thực tế”, ông Hợp cho biết.

Việc lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và trọng yếu kiểm toán, xác định đúng trọng tâm khi triển khai kiểm toán theo hướng dẫn của ngành. Nhờ đó, khi tiến hành kiểm toán không có nhiều vấn đề phát sinh, phải điều chỉnh làm ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán.

Trong bối cảnh nhiệm vụ kiểm toán rất nặng nề với yêu cầu về chất lượng kiểm toán ngày càng cao, lãnh đạo đơn vị cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới hoạt động tổ chức, thực hiện kiểm toán; chú trọng công tác kiểm soát để giảm thiểu rủi ro, sai sót trong quá trình kiểm toán.

Trong đó, đơn vị sẽ xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tổ chức kiểm toán năm 2024 theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Kiểm toán nhà nước; bố trí, sắp xếp nhân sự các đoàn kiểm toán ngay từ đầu năm, thống nhất trong lãnh đạo đơn vị trước khi thực hiện, tạo sự chủ động cho kiểm toán viên nghiên cứu tài liệu…

Ông Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh, chất lượng đội ngũ nhân lực kiểm toán là yếu tố quyết định đến thành công của cuộc kiểm toán. Đồng thời khẳng định, đơn vị luôn coi trọng vấn đề này và sẽ chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, kiểm toán viên theo hướng đào tạo gắn với thực tiễn “cầm tay chỉ việc”; tiếp tục giao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trong việc đào tạo, hướng dẫn kiểm toán viên mới tuyển hoặc còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.

Xác định vấn đề nêu gương là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ, đơn vị sẽ gắn trách nhiệm cụ thể của từng công chức, kiểm toán viên, lấy hiệu quả, kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá, xếp loại và bình xét thi đua cuối năm đối với công chức, kiểm toán viên.

Trong tổ chức hoạt động kiểm toán, đơn vị sẽ “tiếp tục áp dụng cách làm là xây dựng dự thảo báo cáo kiểm toán trong quá trình kiểm toán và có kế hoạch xét duyệt cụ thể để đảm bảo phát hành báo cáo đúng hạn”, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho biết.

Lưu ý hoạt động kiểm toán chỉ đảm bảo khi được kiểm soát xuyên suốt trong quá trình thực hiện kiểm toán, Kiểm toán trưởng cũng cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục giao cho Phó Kiểm toán trưởng làm Tổ trưởng Tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đồng thời, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động thực thi công vụ gắn với tự kiểm tra, tự giám sát và chịu trách nhiệm từ đoàn, tổ kiểm toán trở lên; thực hiện kiểm soát thường xuyên, đột xuất trong quá trình kiểm toán.

Trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán luôn tập trung vào kiểm soát việc tuân thủ quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu, việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp tương ứng với các đánh giá, kết luận, kiến nghị kiểm toán. “Thông qua công tác kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa sai sót; cũng như qua đó giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiểm toán viên đối với nhiệm vụ kiểm toán”, ông Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nang-cao-chat-luong-hoat-dong-kiem-toan-754376