Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở vùng cao
Tại tỉnh Sơn La, nhiều bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản với trình độ chuyên môn cao đã được đưa về các bệnh viện tuyến huyện. Nhờ đó, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở các bệnh viện vùng cao, biên giới ngày càng được nâng lên.
Đội ngũ bác sĩ trẻ với trình độ chuyên môn và tay nghề cao
Mấy ngày qua, anh Vàng A Pó ở xã Sam Kha, huyện Sốp Cộp rất vui khi vợ anh vừa hạ sinh con trai đầu lòng khỏe mạnh. Trước đó, khi đang mang thai được hơn 32 tuần, vợ anh xuất hiện dấu hiệu đau bụng. Anh đã đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán vợ anh bị vỡ ối sớm, cạn ối, thai nhi có nguy cơ bị suy tim và được mổ cấp cứu ngay sau đó. Anh Vàng A Pó chia sẻ, gia đình anh rất may mắn được các bác sĩ ở bệnh viện tuyến huyện kịp thời cấp cứu và can thiệp. Nếu phải chuyển tuyến trên, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con là rất lớn.
Trường hợp của gia đình anh Vàng A Pó chỉ là một trong nhiều ca bệnh nặng được kịp thời cấp cứu mà không phải chuyển tuyến tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp trong thời gian gần đây. Có được điều này, một phần là nhờ việc bệnh viện đã được tăng cường những bác sĩ trẻ, với trình độ chuyên môn và tay nghề cao.
Bác sĩ Tòng Thị Ngọc Thanh, Phó trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp là một trong những trường hợp như vậy. Năm 2017, chị được chọn tham gia Dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của Bộ Y tế. Đây là bước ngoặt lớn trong quá trình công tác của chị. Khi tham gia chương trình, chị được cử đi đào tạo bác sĩ chuyên khoa I tại Đại học Y Hà Nội trong 2 năm. Vừa học tập vừa thực hành, được các y bác sĩ hàng đầu cả nước cầm tay, chỉ việc, trình độ chuyên môn của chị ngày càng tiến bộ.
Bác sĩ Tòng Thị Ngọc Thanh chia sẻ, với những kiến thức đã được học sau khi tốt nghiệp đại học, việc khám, chữa bệnh cho người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi quá trình khám, chữa bệnh thực tế đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao hơn khi gặp những ca bệnh nặng. Chính vì vậy, chương trình đào tạo bác sĩ trẻ đã mang lại hiệu quả thiết thực. Trở về đơn vị công tác, chị đã triển khai được một số kỹ thuật chuyên môn cao mà trước đây bệnh viện tuyến huyện chưa thể thực hiện được. Đó là các kỹ thuật như mổ nội soi hay kịp thời xử lý những tai biến trong sản khoa như băng huyết, vỡ ối sớm... Nhờ đó, người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa có thể được thụ hưởng những kỹ thuật cao ngay tại cơ sở y tế nơi mình sinh sống mà không phải chuyển lên tuyến trên, giúp giảm thiểu chi phí khám, chữa bệnh.
Đối với bác sĩ trẻ Tòng Văn Chom, công tác ở Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp, việc được tham gia đào tạo bác sĩ chuyên khoa I theo dự án của Bộ Y tế đã giúp anh nâng cao tay nghề. Bác sĩ Tòng Văn Chom cho biết, Sốp Cộp với đặc điểm là một huyện biên giới, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, thời gian di chuyển đến bệnh viện tuyến tỉnh khoảng 130km, đến tuyến Trung ương khoảng 500km. Vì vậy, bác sĩ phải xử lý những trường hợp bệnh nhân nặng một cách thận trọng, giảm tối đa rủi ro khi chuyển tuyến. Khi chưa tham gia dự án này, anh còn nhiều bỡ ngỡ khi tiếp xúc bệnh nhân và xử trí các ca bệnh nặng. Được tham gia học tập, trao đổi kiến thức và được các thầy chỉ dạy, anh đã tự tin hơn trong cách tiếp cận bệnh nhân và xử trí những ca bệnh nặng. Nhờ vậy, các bệnh nhân nặng đã không phải chuyển tuyến mà được điều trị ngay tại tuyến huyện.
Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp đã được Bộ Y tế hỗ trợ đào tạo 6 bác sĩ trẻ về chuyên khoa I ở các chuyên khoa như: Khoa Ngoại, Sản, Hồi sức cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội khoa. Bên cạnh đó, bệnh viện còn tiếp nhận một bác sĩ trẻ của Bệnh viên nhi Trung ương lên công tác.
Có thể thực hiện nhiều kỹ thuật cao
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp Tòng Văn Toàn cho biết, các bác sĩ trẻ được đào tạo chuyên môn cao là nguồn nhân lực rất quý để nâng cao việc khám, chữa bệnh cho nhân dân trong huyện và một phần bệnh nhân từ Lào sang điều trị tại bệnh viện. Các bác sĩ trẻ khi về công tác tại bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao, hiện đại như: Mổ nội soi ổ bụng, cấp cứu cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.... Qua đó, từng bước đáp ứng được việc khám, chữa bệnh, tiến hành phẫu thuật, thủ thuật cho người bệnh ở tuyến huyện.
Tại Sơn La, việc các bác sĩ trẻ được đào tạo bài bản đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa bàn khó khăn, giúp người nghèo, đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, hạn chế chuyển tuyến điều trị.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh Sơn La có 21 bác sĩ trẻ được tham gia đào tạo theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, 3 bác sĩ tuyến Trung ương về hỗ trợ tại các bệnh viện tuyến huyện. Ngành Y tế Sơn La đánh giá cao kết quả của dự án này, các bác sĩ trẻ sau khi tham gia chương trình đào tạo đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế của tỉnh. Điều này góp phần giải quyết được vấn đề mất cân bằng về chất lượng khám giữa các bệnh viện tuyến cơ sở.
Thời gian tới, cùng với việc đào tạo lực lượng bác sĩ trẻ về ngoại khoa, sản khoa, hồi sức cấp cứu, ngành Y tế Sơn La chú trọng thêm các mảng y học dự phòng, phục hồi chức năng để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở một cách toàn diện.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nang-cao-chat-luong-kham-chua-benh-o-vung-cao-556314.html