Nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Thời gian qua, Ban Tuyên giáo (TG) Thị ủy Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm, triển khai thực hiện Chỉ thị 20 ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng (gọi tắt là Chỉ thị 20).ĐỔI MỚI HÌNH THỨC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ TUYÊN TRUYỀN

Trên cơ sở bám sát nội dung, nhiệm vụ triển khai thực hiện Chỉ thị 20, chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng về cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học và tính giáo dục. Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn TX. Cai Lậy.

Mô hình “Tủ sách địa phương chí” tại Thư viện TX. Cai Lậy.

Mô hình “Tủ sách địa phương chí” tại Thư viện TX. Cai Lậy.

Trưởng Ban TG Thị ủy Cai Lậy Trần Văn Độ cho biết, Ban TG Thị ủy đôn đốc, hướng dẫn các cấp ủy Đảng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị, trường học quan tâm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng nhằm bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh.

Qua đó, tạo sự thống nhất, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao lòng tự hào dân tộc, quê hương, đất nước, chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Cụ thể, Ban TG Thị ủy tham mưu Thị ủy chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đưa Lịch sử Đảng bộ Cai Lậy vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục phổ thông lồng ghép vào môn Lịch sử địa phương Tiền Giang; Trung tâm Chính trị thị xã đưa Lịch sử Đảng bộ Cai Lậy vào giảng dạy các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, sơ cấp chính trị... bằng nhiều hình thức, đảm bảo về nội dung và số tiết phân phối trong chương trình giảng dạy.

Đến nay, có 9/11 đơn vị trên địa bàn TX. Cai Lậy đã in ấn và xuất bản Lịch sử Đảng bộ địa phương giai đoạn 1930 - 2015. Đối với các cuốn sách đã xuất bản, Ban TG Thị ủy tham mưu Thị ủy Đảng ủy các đơn vị cấp phát cho cán bộ, đảng viên, các ban, ngành và đoàn thể, các trường học trên địa bàn, thư viện thị xã làm tài liệu cho việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống.

Tại các trường học, Ban Giám hiệu các trường đã lồng ghép tuyên truyền Lịch sử Đảng bộ xã cho học sinh vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần, sau lễ chào cờ và sinh hoạt dưới cờ. Từ đó, khơi dậy niềm tự hào dân tộc của đông đảo cán bộ, đảng viên, học sinh và người dân thị xã.

Xác định công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, Ban TG Thị ủy đã tập trung nghiên cứu, biên soạn nội dung sự kiện lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, nhân vật lịch sử, nhân vật cách mạng tiêu biểu. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh TX. Cai Lậy dành nhiều chuyên mục, tin, bài... tuyên truyền ý nghĩa các sự kiện, nhân vật lịch sử.

Công tác thông tin, tuyên truyền được Ban TG Thị ủy kết hợp giữa “xây và chống”, nhằm chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh phê phán, phản bác các thông tin sai lệch, các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Đảng bộ các cấp, lịch sử truyền thống địa phương, định hướng cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ và nhân dân nhận thức rõ tính trung thực, khách quan của các sự kiện, nhân vật lịch sử.

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn TX. Cai Lậy luôn chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đối với các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, di tích kháng chiến ở địa phương như Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc, Lăng Tứ Kiệt...

MÔ HÌNH “TỦ SÁCH ĐỊA PHƯƠNG CHÍ”

Từ mô hình “Phòng nghiên cứu địa chí” của Thư viện thị xã và “Tủ sách địa phương chí” của ngành Giáo dục và Đào tạo thị xã, gồm những loại sách viết về các sự kiện, nhân vật lịch sử... của tỉnh Tiền Giang nói chung và của TX. Cai Lậy nói riêng, cơ sở vật chất trên địa bàn thị xã được trang bị đầy đủ với 1 thư viện thị xã, 33 thư viện trường học, 5 thư viện và 16 phòng đọc sách cấp xã - phường, là điều kiện tốt để giúp nhân dân trên địa bàn học tập, am hiểu truyền thống cách mạng tại địa phương, góp phần nâng cao kiến thức, bồi dưỡng nhân cách và làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần.

Trên cơ sở đó, Ban TG Thị ủy đã ban hành Công văn 483 ngày 30-5-2023 về việc xây dựng mô hình “Tủ sách địa phương chí” được triển khai rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị và các trường học trên địa bàn.

Để nhân rộng mô hình, các trường tiểu học, trung học cơ sở đã xây dựng mô hình “Tủ sách địa phương chí”, trang bị các thể loại sách như: Lịch sử Đảng bộ các cấp; lịch sử các ban, ngành, đoàn thể, văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người TX. Cai Lậy...

Cùng với đó là tổ chức, đổi mới các cuộc vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, tổ chức thi tìm hiểu lịch sử “Em yêu lịch sử Việt Nam”, thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam”; tổ chức cho giáo viên và học sinh tham quan các di tích lịch sử cách mạng, bảo tàng, nhà truyền thống, nhà lưu niệm về sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, nhân vật cách mạng, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ và di tích lịch sử cách mạng...

Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã tham mưu UBND TX. Cai Lậy phối hợp với Ban TG Thị ủy tổ chức thi trắc nghiệm trực tuyến Hội thi Tìm hiểu lịch sử địa phương nhân kỷ niệm 10 năm thành lập TX. Cai Lậy.

Để tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đồng chí Trần Văn Độ cho biết, trong thời gian tới, Ban TG Thị ủy tiếp tục chủ động triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 20. Đồng thời, Ban Giám hiệu các trường học, Đảng ủy, chính quyền các xã - phường, cán bộ, đảng viên, giáo viên cần hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng “Tủ sách địa phương chí”, nâng cao nhận thức của giáo viên và học sinh về truyền thống cách mạng, lịch sử - văn hóa của tỉnh Tiền Giang và TX. Cai Lậy, từ đó giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho học sinh.

Bên cạnh đó, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thường xuyên củng cố, xây dựng mô hình “Tủ sách địa phương chí” tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, Trường Trung cấp Cai Lậy, tăng cường sưu tầm bổ sung, quản lý, khai thác có hiệu quả sách Lịch sử Đảng đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Lịch sử địa phương...

LÊ NGUYÊN

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202403/ban-tuyen-giao-thi-uy-cai-lay-nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-bien-soan-tuyen-truyen-giao-duc-lich-su-dang-1005511/