Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng cho đầu ra
PTĐT - Phú Thọ luôn coi phát triển nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 ...
PTĐT - Phú Thọ luôn coi phát triển nhân lực là yếu tố quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định tập trung phát triển nguồn nhân lực là một trong 4 khâu đột phá chiến lược, tạo động lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề luôn được các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm, đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Đây cũng đã và đang là hướng đi mới trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.Thực tế, hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua luôn được các cấp ủy, chính quyền chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; có sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Theo đó, hoạt động này từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng theo hướng nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng được quan tâm sắp xếp, kiện toàn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 32 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (9 trường cao đẳng; 5 trường trung cấp; 18 trung tâm) và 10 cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang tuyển sinh, đào tạo đa dạng hóa các ngành, nghề với nhiều lĩnh vực: Kỹ thuật, dịch vụ, y dược, nông nghiệp… Trong giai đoạn 2016-2020, các cơ sở đã tuyển sinh, đào tạo gần 145 nghìn người, trong đó: cao đẳng gần 16 nghìn người; trung cấp hơn 22 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo khác hơn 106 nghìn người, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2020 của toàn tỉnh đạt mục tiêu trên 70%.
Bà Phan Thị Thanh Huyền – Trưởng phòng Dạy nghề, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh từng bước nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp, tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp; tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tuyển sinh, đào tạo, xây dựng chương trình giáo trình và tuyển dụng lao động sau đào tạo. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của thời đại, các trường sẽ chủ động tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo lao động có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế.Có thể khẳng định rằng, nhân lực có trình độ cao là nền tảng quan trọng để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do đó, đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 150 dự án tại 7 khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp tập trung; trong đó có 3 KCN đã thu hút hơn 100 dự án thứ cấp với vốn đăng ký hơn 500 triệu USD và hơn 10 nghìn tỷ đồng là: Trung Hà, Thụy Vân, Phú Hà. Mỗi năm, các KCN, CCN tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận. Hiện số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là gần 150 nghìn người, trong đó lao động có trình độ đại học chiếm 11,2%; cao đẳng chiếm 12,6%; trung cấp chiếm 15,2%; sơ cấp chiếm 10,6% và dạy nghề dưới 3 tháng chiếm 24,4%.Ông Nguyễn Hữu Nhu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Bên cạnh những thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng, có thể nói chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua của tỉnh được triển khai tích cực, đồng bộ, tạo sự hài lòng đối với các nhà đầu tư. Công tác đào tạo cán bộ, nhân lực; thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao vào các ngành có nhu cầu, đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn doanh nghiệp đến với Phú Thọ. Theo dự báo, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo, nhu cầu đào tạo, đào tạo lại và đào tạo thường xuyên ở tỉnh hàng năm khoảng 21 nghìn người, tập trung chủ yếu vào các ngành, nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn này của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh là tuyển sinh và đào tạo cho khoảng 107 nghìn người. Trong bối cảnh đó, việc đổi mới đào tạo nghề theo hướng nâng cao kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp vẫn được xác định là một hướng đi phù hợp hiệu quả.Tuy nhiên, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành, người dân và sự đồng hành của doanh nghiệp về phát triển nhân lực có kỹ năng nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho lao động, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường.