Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Thành phố Hồ Chí Minh xác định du lịch là một trong những ngành dịch vụ chủ yếu, có mức tăng trưởng khá cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên cả nước, ngành du lịch thành phố vẫn thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể chắp cánh cho ngành du lịch phát triển bứt phá hơn, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 1.382 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành theo quy định, trong đó 51,37% là lữ hành quốc tế, 42% lữ hành nội địa, số còn lại là đại lý lữ hành và văn phòng đại diện nước ngoài. Năm 2018, trên địa bàn có hơn 3.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 50.000 phòng, trong đó trước nhu cầu thị trường, cơ sở khách sạn 4 sao tăng 15,4% so với năm 2017. Mỗi năm, TP Hồ Chí Minh đón hàng triệu lượt khách quốc tế và con số này tăng đều theo hàng năm, nhất là trong ba năm gần đây. Tính đến 2018, thành phố có 5.418 hướng dẫn viên du lịch đang hành nghề đã được cấp thẻ, bao gồm 3.146 hướng dẫn viên du lịch quốc tế và 2.272 hướng dẫn viên du lịch nội địa. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên lại không tỷ lệ thuận với số lượng. Trong hơn 5.000 hướng dẫn viên đang hành nghề thì có tới 30 đến 45% hướng dẫn viên du lịch không đạt chuẩn ngoại ngữ, trong đó một số ngôn ngữ như Nhật Bản, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga vẫn còn rất hạn chế. Trong khi thị trường du khách quốc tế đến từ các quốc gia khác nhau tăng đều qua các năm thì số lượng hướng dẫn viên đa dạng ngoại ngữ lại không tăng tương xứng. Thí dụ lượt khách từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản tăng trưởng mạnh những năm gần đây nhưng số lượng hướng dẫn viên du lịch người Việt Nam thành thạo các tiếng này lại rất ít. Điều này đã trở thành rào cản lớn trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng cho du lịch thành phố.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, hiện nay, thành phố có 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch, trong đó 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng, cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp, tuy nhiên số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng khoảng 60% so với nhu cầu. Theo Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen Mai Hồng Quỳ, những con số nêu trên chỉ là “tảng băng nổi”, chưa cho thấy điều quan trọng hơn đó là vấn đề mất cân bằng trong nguồn nhân lực du lịch, thừa và thiếu không đúng chỗ. Nguồn lao động du lịch hiện nay vẫn thừa thợ không chuyên mà thiếu thợ chuyên nghiệp. Nguồn nhân công phổ thông chưa qua đào tạo rất phong phú nhưng việc tìm kiếm lao động được đào tạo bài bản, đúng ngành nghề, có chất lượng lại rất khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp phải đào tạo lại. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các vị trí công việc chuyên gia và quản lý chuyên nghiệp như quản lý kinh doanh, quản trị chiến lược, nghiên cứu phát triển có chuyên môn nghiệp vụ cao lại thiếu rất nhiều so với nhu cầu thực tế. Bà Mai Hồng Quỳ cho biết thêm, chúng ta quan tâm nhiều đến sinh viên tốt nghiệp, nhưng chưa quan tâm đến việc đào tạo nâng cao lực lượng quản lý du lịch tại các địa phương. Trong xu thế hội nhập và tăng trưởng nhanh của du lịch Việt Nam, nhất là để góp phần xây dựng du lịch thành kinh tế trọng điểm, cán bộ quản lý du lịch cần được cập nhật đào tạo thường xuyên các kỹ năng mới trong quản lý và phục vụ du lịch bao gồm cả ngoại ngữ, văn hóa ứng xử quốc tế, và tư duy phát triển du lịch bền vững.
Giám đốc Sở Du lịch thành phố Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trước hết phải nâng tính dự báo. Các địa phương cần dự báo được chính xác nguồn lực cần cho ngành trong 5 năm, 10 năm tới. Việc dự báo chi tiết sẽ giúp các cơ sở tổ chức đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, với chiến lược phát triển du lịch quốc gia, của địa phương, tránh tình trạng thiếu hụt trong vài năm tới. Theo Phó Tổng Giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Võ Anh Tài, các cơ sở đào tạo cần nhanh chóng xây dựng khung chương trình tương ứng theo sát các yêu cầu thực tế phát triển ngành du lịch đồng thời phù hợp các tiêu chuẩn chức danh nghề du lịch ASEAN, EU, trong đó chú trọng các chương trình tập sự nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên. Việc thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khu vực ASEAN sẽ mang lại cơ hội cho sinh viên được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc gia, khu vực. Qua đó, các trường sẽ đào tạo bằng phương pháp mới, xây dựng kỹ năng nghề dựa trên năng lực và tạo cơ hội dịch chuyển lao động trong ASEAN.
Về lâu dài, TP Hồ Chí Minh cần hướng tới xây dựng hệ sinh thái du lịch cộng đồng để tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh và người dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động trong đào tạo lao động các hộ kinh doanh và người làm du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và hình ảnh của điểm đến. Bên cạnh nâng cao chất lượng chương trình đào tạo ngành du lịch trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, thành phố cần có giải pháp để kết nối ba nhà (nhà trường, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) để bảo đảm cung cầu nguồn nhân lực cũng như đáp ứng được chất lượng nguồn nhân lực, tránh việc đào tạo lại, gây lãng phí. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đội ngũ quản lý ngành du lịch cần nêu cao trách nhiệm trong vấn đề tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng lao động không đủ điều kiện, các lao động tự do không giấy phép và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để tạo ra một thị trường lao động cạnh tranh lành mạnh.