Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch
PTĐT - Được xác định là một trong các khâu đột phá của tỉnh, những năm gần đây, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ với đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, để du lịch Phú Thọ phát triển tương xứng với tiềm năng thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng và cũng được coi là một trong những yếu tố then chốt làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường du lịch cho từng doanh nghiệp, địa phương.
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 4.000 lao động trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch. Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực du lịch chưa cao và chưa đồng đều, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập là rất cần thiết. Để phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tham gia đào tạo nhân lực cho ngành với phương châm đào tạo gắn liền với thực tế và nhu cầu của người sử dụng lao động; đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đối với học sinh, sinh viên ngành du lịch.
Trường Đại học Hùng Vương là một trong những trường đại học đa ngành đầu tiên ở khu vực phía Bắc triển khai đào tạo các ngành mũi nhọn theo cơ chế đặc thù với mô hình tiên tiến là liên kết hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, trong đó có ngành du lịch. Hiện nay, nhà trường hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực du lịch như Công ty cổ phần Du lịch - Dịch vụ - Thương mại Phú Thọ, Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô… để mang đến cho sinh viên ngành du lịch cơ hội được thực hành, thực tập và sớm tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, tiên tiến đáp ứng sự phát triển chung của du lịch Phú Thọ và các tỉnh trong khu vực.
Giảng viên Nguyễn Thị Huyền- Trưởng bộ môn Văn hóa- Du lịch, khoa Khoa học xã hội & Văn hóa Du lịch cho biết: Hiện nay, nhà trường có 100 sinh viên đang theo học ngành Hướng dẫn viên Du lịch và Quản trị dịch vụ du lịch&lữ hành, trong chương trình học có 50% thời lượng tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp; đối với các môn chuyên ngành thì hơn 50% thời lượng đào tạo thực hành để các em sinh viên cập nhật kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành tốt.Ngoài việc học lý thuyết, nhờ được học từ thực tế qua các chuyến đi và hoạt động, sự kiện liên quan đến du lịch, có cơ hội được trao đổi và thực tập ở các doanh nghiệp nên 100% sinh viên ngành du lịch ra trường đều có việc làm, trong đó có khoảng 60% làm việc trong ngành du lịch Phú Thọ. Không chỉ hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo, thực tập, rèn nghề và tuyển dụng cho sinh viên mà nhà trường còn ký kết phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các khóa học bồi dưỡng nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ cho cán bộ, nhân viên của các công ty hoạt động trong lĩnh vực du lịch&lữ hành và các giảng viên trong khoa cũng là những chuyên gia, tư vấn viên trong các lớp tập huấn cho những người làm du lịch cộng đồng. Là một trong hai trường trực tiếp tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch Phú Thọ và các tỉnh lân cận, Trường Cao đẳng nghề Phú Thọ cũng bắt đầu đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch từ năm 2011 mà trực tiếp là đào tạo nhân lực trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Đến nay, nhà trường đã có 356 học sinh, sinh viên ra trường, trong đó có khoảng 70% phục vụ cho thị trường du lịch Phú Thọ. Hiện tại, nhà trường có 214 học sinh, sinh viên theo học ngành Chế biến món ăn, Quản trị khách sạn. Trong khóa học, các em được cập nhật những kiến thức về quản trị lữ hành, quản trị dịch vụ giải trí, thể thao, quản trị buồng, phòng, điều hành tour du lịch, nghiệp vụ bán hàng, lễ tân, kỹ thuật chế biến món ăn, pha chế đồ uống, làm bánh… Không chỉ đào tạo kỹ năng chuyên môn, nhà trường còn chú trọng đào tạo thêm kỹ năng mềm, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện sau khi ra trường. Để phục vụ tốt cho việc giảng dạy hai kỹ năng trên nhà trường đã thực hiện đào tạo gắn liền với thực tiễn thông qua các mô hình đào tạo kết hợp với thực hành, thực tiễn tại các doanh nghiệp: Tập đoàn FAMINGO, Công ty Thành công Hải Phòng, Tập đoàn Sài Gòn tourist... Khung chương trình dạy học cũng được xây dựng linh hoạt vừa đảm bảo chương trình quy định, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Để nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu thực tiễn, song song với việc cử đội ngũ giáo viên đi tập huấn, học tập nâng cao trình độ thì hàng năm giáo viên của nhà trường đều có thời gian đi học tập, thực tế tại doanh nghiệp, ngược lại, nhà trường cũng mời một số đầu bếp của một số nhà hàng và giáo viên ở Hà Nội về giảng dạy cho học sinh, sinh viên.Theo số liệu thống kê của ngành du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 31 doanh nghiệp hoạt động lữ hành và hơn 280 đơn vị hoạt động cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch, trong đó có 36 khách sạn đòi hỏi nguồn nhân lực khá lớn làm trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo yêu cầu sử dụng lao động cho các đơn vị, doanh nghiệp lĩnh vực du lịch thì việc đào tạo nâng cao, bồi dưỡng tay nghề cho các lao động đã được các đơn vị sử dụng lao động tuyển dụng cũng là một giải pháp cần thiết bởi xu hướng du lịch liên tục thay đổi nên yêu cầu của khách hàng cũng thay đổi theo, đòi hỏi lao động trong lĩnh vực này luôn phải cập nhật thông tin, trau dồi kỹ năng thường xuyên. Hiện nay đã có nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch dịch vụ tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao nhằm đáp ứng với yêu cầu và xu hướng hội nhập quốc tế.