Nâng cao chất lượng nhân lực ngành để vững bước vào kỷ nguyên mới
Là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia, ngành Ngân hàng đang không ngừng củng cố nguồn nhân lực phát triển nhằm định hình tương lai tài chính, lấy khách hàng làm trọng tâm và công nghệ số làm động lực tăng trưởng.
Nhân lực trở thành động lực
Trong điều kiện khó khăn, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn duy trì sự ổn định, không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng, góp phần đảm bảo an ninh tiền tệ, củng cố vị trí thương hiệu quốc gia. Để đạt được những thành công trên, nhân lực ngành Ngân hàng đóng vai trò nòng cốt để hiện thực hóa những kế hoạch, mục tiêu đã đề ra. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến vấn đề này.
Với vai trò là cơ sở đào tạo nhân lực trọng điểm của ngành Ngân hàng, PGS.TS. Bùi Hữu Toàn, Chủ tịch Hội đồng Học viện Ngân hàng cho biết, nhà trường hiện có 30 chương trình đào tạo cử nhân, 10 chương trình thạc sĩ và 16.000 sinh viên. Số lượng tuyển sinh vào các hệ đào tạo đại học, sau đại học trong năm qua cũng tăng mạnh. Điều này đã khẳng định uy tín, danh tiếng về chất lượng đào tạo của Học viện đang ngày càng nhận được sự thu hút, quan tâm của xã hội.
Ngoài chức năng đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, Học viện Ngân hàng còn đóng vai trò quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức của NHNN. Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 đã được Thống đốc NHNN phê duyệt tại Quyết định số 2500/QĐ-NHNN ngày 29/12/2023, Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngân hàng (trực thuộc Học viện Ngân hàng) đã triển khai đúng kế hoạch đào tạo với 59 khóa đào tạo cho 7421 lượt học viên là cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng. Đồng thời, thiết kế và tổ chức các chuyên đề đào tạo ngắn hạn cho các tổ chức tín dụng và ngân hàng thương mại thu hút hàng nghìn lượt học viên tham gia với số lượng lớn các lớp ngoài kế hoạch là 110 lớp cho hơn 8.000 lượt học viên tại các tỉnh, thành phố trên cả nước về các nghiệp vụ.
Dù đã nỗ lực với nhiều giải phải pháp, song theo dự báo đến 2025, nhu cầu nhân lực cấp cao ngành tài chính - ngân hàng sẽ tăng khoảng 20%/năm. Điều này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới.
Phát triển nhân lực gắn liền với tiến bộ công nghệ
Để nâng cao vai trò và hiệu quả phát triển nguồn nhân lực, đồng hành cùng ngành Ngân hàng và nền kinh tế tiến vào kỷ nguyên mới, PGS.TS. Bùi Hữu Toàn cho biết, Nhà trường sẽ xây dựng khung đào tạo và các chuyên đề đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cán bộ ở các đơn vị trong NHNN cũng như các ngân hàng thương mại, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn, các tổ chức uy tín trong nước và trên thế giới để xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao trên cơ sở hợp tác theo hướng gắn chặt chẽ giữa quá trình đào tạo với thực tiễn công việc; tập trung phát triển có chất lượng các chương trình đào tạo, gắn đào tạo với vị trí việc làm, chuẩn hóa chức danh nghề nghiệp, chức danh nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực ngành Ngân hàng có tính chuyên nghiệp cao đáp ứng tốt yêu cầu thực tiễn của công việc trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học và mở rộng các kênh đào tạo dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Tập trung đầu tư, phát triển nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên có kiến thức chuyên môn sâu về các mảng công việc khác nhau của ngành Ngân hàng, có kinh nghiệm thực tế và có kỹ năng truyền đạt kiến thức tốt, ứng dụng thành thạo các công nghệ mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; tạo mọi điều kiện để mời được các chuyên gia giỏi trong và ngoài ngành của từng lĩnh vực tham gia giảng dạy.
Các chuyên gia tin tưởng rằng, những giải pháp nêu trên được triển khai đồng bộ, hiệu quả trong thời gian tới sẽ là nền tảng quan trọng giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng Việt Nam hiện nay cũng như góp phần củng cố lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong hiện tại và tương lai.