Nâng cao chất lượng nhân lực ngành Xây dựng
Là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước nhưng chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực ĐBSCL còn thấp, gây khó khăn cho thu hút đầu tư của các địa phương trong vùng. Trường Đại học Xây dựng Miền Tây đã đánh giá thực trạng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học trong ngành Xây dựng tại khu vực và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này.
Thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực ngành Xây dựng
Sử dụng phương pháp thống kê, so sánh và phân tích đánh giá, ThS Huỳnh Quốc Huy (Trung tâm thông tin - Thư viện, Trường Đại học Xây dựng miền Tây) và nhóm nghiên cứu đã thu được một số kết quả như sau:
Đầu vào các cơ sở đào tạo có chuyên ngành xây dựng (điểm trúng tuyển) tương đối thấp, quy mô tuyển sinh nhỏ; cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên còn thiếu. Bên cạnh đó là những khó khăn xuất phát từ chính bản thân những người cần đào tạo nghề. Từ trước tới nay, người dân ĐBSCL có tư tưởng không cần học cao, chỉ biết chữ là đủ. Điều kiện giao thông đi lại khó khăn; tâm lý lo ngại sau khi đi học không tìm được việc làm, không có vốn... đã làm hạn chế đáng kể mục tiêu của chương trình, cũng như sự tham gia tự giác, nhiệt tình của người có nhu cầu học tập. Đây là khó khăn chung của nhiều địa phương, các cơ sở đào tạo triển khai tuyển sinh.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo: Thực tế trong những năm gần đây, hầu hết các trường đại học chỉ tập trung nguồn lực để đào tạo nhân lực cho những ngành như kinh tế, tài chính, kế toán, ngoại ngữ, tin học... trong khi đó các ngành lĩnh vực xây dựng cần đòi hỏi cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành, thí nghiệm với nguồn kinh phí lớn thì ít được quan tâm đầu tư. Chất lượng của các trang thiết bị phục vụ đào tạo chưa đáp ứng, đặc biệt là các trang thiết bị này chưa phù hợp với các DN sử dụng lao động trong khu vực.
Về chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý (CBQL) đào tạo các chuyên ngành xây dựng: Theo số liệu khảo sát các cơ sở đào tạo có đội ngũ giảng viên trình độ sau đại học trên 95%. Xét về trình độ chuyên môn, kết quả cho thấy trình độ chuyên môn của giảng viên trình độ tiến sỹ chiếm 6,45%; thạc sỹ chiếm 91,94%; chỉ có 1,61% giảng viên có trình độ đại học chủ yếu là cán bộ kỹ thuật. Nhìn chung, với trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Kết quả khảo sát, 20% cán bộ quản lý làm nhiệm vụ kiêm nhiệm, thời gian dành cho quản lý đào tạo không nhiều, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế.
Về chất lượng sinh viên tham gia học các chuyên ngành Xây dựng: Có kiến thức lý thuyết chuyên sâu trong lĩnh vực đào tạo; nắm vững kỹ thuật và có kiến thức thực tế để giải quyết các công việc phức tạp; tích lũy được kiến thức nền tảng về các nguyên lý cơ bản, các quy luật tự nhiên, xã hội trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn; có kiến thức quản lý, điều hành, kiến thức pháp luật và bảo vệ môi trường liên quan đến lĩnh vực được đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành chiếm hơn 90% so với số lượng khảo sát.
Về chất lượng chương trình, giáo trình giảng dạy các chuyên ngành xây dựng: Chương trình đào tạo vừa là chuẩn mực để đào tạo, vừa là chuẩn mực để đánh giá chất lượng đào tạo. Do vậy, đào tạo các chuyên ngành xây dựng không những giải quyết nhu cầu về số lượng, còn phải quan tâm đến chất lượng đào tạo. Các chương trình, giáo trình giảng dạy chưa cân đối hợp lý giữa giờ lý thuyết và giờ thực hành, còn nặng về lý thuyết (chiếm từ 40 - 60%). Sinh viên ra trường các đơn vị sử dụng cần phải đào tạo lại chiếm tỷ lệ lớn.
Việc cập nhật chương trình, giáo trình một số chuyên ngành đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho người học gặp khó khăn. Trong đó các nội dung được đánh giá tốt ở các đối tượng khác nhau như chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu DN; phù hợp với nhu cầu của sinh viên, thời gian đào tạo phù hợp.
Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đầu tư mở rộng cơ sở đào tạo, đồng thời từng bước hiện đại hóa, đầu tư mới các trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế hiện nay. Để thực hiện công việc này, cần xúc tiến nhanh việc khảo sát thu thập thông tin từ người sản xuất, DN để có hướng đầu tư các trang thiết bị phù hợp và khi sử dụng đạt hiệu quả cao.
Các cơ sở đào tạo cần xây dựng chính sách khuyến khích giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực giảng dạy, tạo điều kiện cho giảng viên làm nghiên cứu sinh, tăng cường số lượng các giảng viên có học vị Tiến sĩ, Phó giáo sư… Đối với giảng viên, yêu cầu cần nâng cao kỹ năng sư phạm, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với sự phát triển của xã hội. Sinh viên, học viên cần tăng cường tính chủ động, sáng tạo và sự hứng thú trong quá trình học.
Việc xây dựng các chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình các ngành trong lĩnh vực Xây dựng cần có sự phối hợp giữa các đơn vị ngành chức năng chuyên môn, tham vấn ý kiến của nhà tuyển dụng cũng như chương trình đào tạo của các nước tiên tiến… từ đó, từng bước hoàn thiện chương trình đào tạo, giáo trình phù hợp với thị trường lao động và các DN trong khu vực. Thường xuyên tổ chức cập nhật, chỉnh sửa và biên soạn lại các chương trình, giáo trình phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, kỹ thuật và nhu cầu của xã hội.
Khi xây dựng chương trình, cần chú trọng đến gắn kết giữa đào tạo với mô hình sản xuất ở DN, từ đó sẽ giải quyết tốt khâu đầu ra (việc làm) bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người lao động tham gia học tập.
Trường Đại học Xây dựng miền Trung xác định công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Xây dựng, đồng thời góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ của Ngành, nhằm xây dựng khu vực ĐBSCL nói riêng và đất nước nói chung phát triển theo tiêu chí công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới.
Để thực hiện được các nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, việc cung cấp nguồn nhân lực trong ngành Xây dựng là rất cần thiết. Một số giải pháp của Trường Đại học Xây dựng miền Trung nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho cơ sở đào tạo, xây dựng các chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, và phát triển công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực của ngành Xây dựng.
Tuy nhiên việc thực hiện các giải pháp trên cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, cơ sở đào tạo và DN trong khu vực. Các cơ sở đào tạo cần có chiến lược, kế hoạch riêng, ưu tiên giải pháp nào phụ thuộc vào điều kiện thực tế.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-nganh-xay-dung-355499.html