Nâng cao chất lượng phân loại rác tại nguồn

Lào Cai là một trong những tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn từ rất sớm (từ giai đoạn 2015 - 2020), trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực. Giai đoạn 2020 - 2025, Lào Cai có kế hoạch tiếp tục nhân rộng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

Năm 2016 UBND tỉnh Lào Cai ban hành Đề án phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thí điểm trên địa bàn 3 địa phương: Thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Sau giai đoạn thử nghiệm đề án được mở rộng đến các địa phương trong tỉnh. Việc thực hiện đề án thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Lào Cai trong công tác bảo vệ môi trường.

Sau 5 năm thực hiện, đề án đã đạt kết quả quan trọng. Năm 2016, tỷ lệ trung bình người dân phân loại rác tại 3 địa phương trên đạt khoảng 50% và chất lượng phân loại rác đạt khoảng 37%. Đến năm 2020, tỷ lệ trung bình người dân tham gia phân loại rác đạt 87%, chất lượng phân loại đạt 78%; tỷ lệ rác vô cơ lẫn rác hữu cơ giảm, còn 25%.

Tuyên truyền về phân loại rác thải tại thành phố Lào Cai.

Là địa phương của tỉnh đi đầu trong việc phân loại rác thải tại nguồn, năm 2022, tại thành phố Lào Cai, việc thu gom và xử lý rác thải đạt 87%, trong đó tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong 10 phường đạt 97%, 5 xã đạt khoảng 60%; hiện còn 2 xã chưa thực hiện thu gom là Tả Phời và Hợp Thành, chủ yếu người dân xử lý bằng lò đốt rác tại gia đình.

Hằng ngày, rác thải của gia đình tôi được phân loại, mang ra cho đơn vị thu gom theo từng khung giờ khác nhau. Tôi thực hiện nghiêm quy định, những rác không phân hủy được thì để sang thùng vô cơ, còn đồ phân hủy được để sang thùng hữu cơ. Không chỉ phân loại rác thải vô cơ, hữu cơ, tôi thường bỏ riêng các chai nhựa, lọ nhựa để lao công gom riêng, vì đây là loại rác có thể tái chế.

Bà Mai Thị Yến, tổ 22, phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai).

Người dân thành phố Lào Cai phân loại rác thải có thể tái chế.

Tại thị xã Sa Pa, đơn vị thu gom, vận chuyển trung bình khoảng 28 tấn rác/ngày, trong đó rác hữu cơ đưa về Nhà máy xử lý rác thải thành phố trung bình khoảng 8 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt trên 90%. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thị xã có chiều hướng giảm, chất lượng, tỷ lệ phân loại rác hiện mới đạt 65 - 70%.

Tại huyện Bát Xát, với những địa điểm thu gom, vận chuyển kịp thời rác thải, không để rác tồn đọng trong ngày thì tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn đạt trên 80%.

Ông Ngô Bảo Lân, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường thành phố Lào Cai (Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Lào Cai) cho biết: Những năm vừa qua, doanh nghiệp thực hiện thu gom và xử lý rác thải tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn giúp doanh nghiệp thuận tiện hơn trong thu gom, xử lý. Rác thải hữu cơ là nguồn “tài nguyên” quan trọng để chúng tôi xử lý thành phân bón hữu cơ.

Theo ông Lân, đang có sự chênh lệch lớn về chất lượng phân loại rác thải tại nguồn đối với khu vực có tần suất thu gom thường xuyên và khu vực có tần suất thu gom thấp. Tại các địa điểm thu gom thường xuyên, việc phân loại rác thải tại nguồn được chính quyền địa phương quan tâm, nhắc nhở thường xuyên thì chất lượng, tỷ lệ phân loại rác thải tại nguồn cao hơn hẳn. Tại các địa điểm (chủ yếu là khu ngoại thị), các xã vùng ven thành phố thì tần suất thu gom thường thấp hơn, khoảng 3 - 4 lần/tuần, việc phân loại rất khó, hầu như không thể thực hiện.

Từ tháng 12/2022 đến nay, đơn vị thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại thành phố Lào Cai đã thực hiện thí điểm mô hình nâng cao chất lượng phân loại rác tại nguồn tại 5 phường/9 tuyến thu gom. Kết quả thí điểm cho thấy, các tuyến thu gom này được đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên thì tỷ lệ và chất lượng phân loại đạt cao (trên 90%), hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình (hiện chỉ khoảng 80%).

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, UBND tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân... Lộ trình thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024.

Như vậy, từ nay đến hết năm 2024, việc phân loại rác thải tại nguồn là một trong những nội dung cần được các địa phương nhân rộng. Lào Cai đã có những quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có quy định cụ thể việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Với từng địa phương sẽ có lộ trình áp dụng cụ thể, tiến tới hết năm 2024 sẽ được áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

Dự kiến trong năm 2023, một số mô hình phân loại rác sẽ được đưa vào thí điểm tại các địa phương chưa thực hiện phân loại rác. Ví dụ như tại thành phố Lào Cai, dự kiến hỗ trợ một số vật dụng phục vụ việc phân loại chất thải rắn tại nguồn tại xã Đồng Tuyển, hỗ trợ thùng rác cho các gia đình thực hiện phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; hỗ trợ kinh phí thành lập, vận hành tổ thu gom rác thải tại xã Nghĩa Đô (Bảo Yên); xây dựng các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại xã Võ Lao (Văn Bàn), xã Tà Chải (Bắc Hà)…

Với quyết tâm vào cuộc từ các địa phương, các mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nang-cao-chat-luong-phan-loai-rac-tai-nguon-post367699.html