Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ở Triệu Phong

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Triệu Phong triển khai nhiều giải pháp để xây dựng tổ chức hội vững mạnh, giúp nông dân phát triển kinh tế, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh. Bằng những cách làm cụ thể, hội nông dân các cấp trong huyện giúp nông dân không ngừng nâng cao cuộc sống, đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 63,4 triệu đồng. Số hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh (SX,KD) giỏi ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Năm 2022, toàn huyện có 4.806 hộ đạt SX, KD giỏi các cấp. Hiện nay, Hội Nông dân huyện Triệu Phong có gần 14.700 hội viên, chiếm 50% so với lao động nông nghiệp.

Nông dân xã Triệu Trạch đẩy mạnh chăn nuôi bò đàn - Ảnh: TV

Nông dân xã Triệu Trạch đẩy mạnh chăn nuôi bò đàn - Ảnh: TV

Đối với tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, chỉ tính 5 năm trở lại đây, nông dân Triệu Phong đóng góp 21.485 ngày công, gần 27 tỉ đồng, hiến 96.118m2 đất để xây dựng đường giao thông, công trình phúc lợi, góp phần quan trọng phấn đấu đưa huyện Triệu Phong đạt chuẩn huyện NTM trong năm 2023.

Để tiếp tục giúp nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế và xây dựng NTM, đô thị văn minh trong thời gian tới, Hội Nông dân Triệu Phong xác định tiếp tục triển khai các giải pháp giúp hội viên, nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn theo hướng hàng hóa, hội nhập kinh tế.

Theo đó, hằng năm Hội Nông dân huyện sẽ kết nạp mới từ 200- 250 hội viên, xây dựng 1 chi hội và 18 tổ hội nghề nghiệp; có từ 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và trong số đó có 50% số hộ đăng ký đạt danh hiệu SX,KD giỏi các cấp; giúp đỡ từ 2,5- 3% số hộ nông dân thoát nghèo. Chủ động phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức dạy nghề cho 300- 350 lao động nông thôn, phấn đấu đưa tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo 70% trở lên...

Để đạt được kết quả đó, Hội Nông dân huyện Triệu Phong chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay. Theo đó, Hội Nông dân huyện sẽ thành lập, phát triển mới các chi, tổ hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nông dân để tập hợp thu hút hội viên, nông dân, đa dạng hóa hình thức hoạt động của các câu lạc bộ cũng như nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SX,KD giỏi; vận động nông dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tạo nguồn lực từ nội bộ nông dân để làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng như thực hiện tốt chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo gắn với các mục tiêu về xây dựng NTM của huyện.

Cùng với đó, các cấp hội nông dân trong huyện làm tốt vai trò là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với hộ SX,KD giỏi để xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, qua đó tuyên truyền nhân rộng. Tích cực vận động nông dân tham gia tích tụ ruộng đất để nâng quy mô sản xuất, phát triển nhanh mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng cánh đồng lớn tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và vận động nông dân đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, tích cực trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng.

Nhằm giúp nông dân có điều kiện phát triển SX,KD, Hội Nông dân huyện nâng cao hiệu quả hoạt động quỹ hỗ trợ nông dân đảm bảo nguồn vốn ở các cấp đều tăng trưởng cũng như sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và an toàn tín dụng. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp nông dân vay vốn và hướng dẫn nông dân sử dụng vốn vay có hiệu quả.

Phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức khuyến công, khuyến nông, tập huấn chuyển giao công nghệ mới, xây dựng mô hình trình diễn để hội viên, nông dân áp dụng vào sản xuất cũng như cung cấp thông tin thị trường, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đẩy mạnh tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, nâng cao năng lực truyền thông giúp nông dân tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách, khoa học công nghệ, thị trường và các hoạt động của hội; đồng thời vận động hộ SX,KD giỏi giúp hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư và kinh nghiệm sản xuất để thoát nghèo.

Bên cạnh đó, căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân theo hướng nâng cao tay nghề đối với nghề truyền thống, đào tạo nghề mới phù hợp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất cũng như tư vấn học nghề, du nhập nghề mới có triển vọng góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập cho nông dân. Phát hiện, bồi dưỡng và đề xuất giải pháp vận động, hỗ trợ cá nhân có ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực của nông dân trong phát triển kinh tế.

Đối với thực hiện xây dựng NTM, đô thị văn minh, Hội Nông dân huyện tập trung chỉ đạo hội cơ sở và phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả đề án của UBND huyện về xây dựng NTM huyện Triệu Phong giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, hằng năm cơ sở hội lựa chọn, đăng ký với cấp ủy thực hiện ít nhất 2 việc tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh, trong đó trọng tâm là nhận thi công hoặc vận động nông dân tham gia đóng góp xây dựng ít nhất 1 công trình ở thôn, khu dân cư như cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, bảo vệ môi trường, dạy nghề, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa cũng như vận động nông dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh do huyện phát động.

Phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tốt hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, thực hiện tốt chương trình quốc gia về dân số, tích cực bảo vệ môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu và công tác an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Tuấn Việt

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/kinh-te/nang-cao-chat-luong-phong-trao-nong-dan-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-o-trieu-phong/180905.htm