Nâng cao chất lượng sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện Ia Grai
Triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo, huyện Ia Grai đã khảo sát, lựa chọn những sản phẩm đặc trưng của địa phương để đầu tư nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Qua khảo sát, đánh giá, huyện Ia Grai đã lựa chọn 3 sản phẩm đặc trưng thuộc nhóm thực phẩm và đồ uống gồm cà phê bột, trái cây, mật ong và các sản phẩm mật ong để đầu tư nâng cao chất lượng đạt tiêu chuẩn OCOP. Đây là những sản phẩm thế mạnh của địa phương từ nhiều năm nay, trong đó sản phẩm cà phê bột, bơ đã đăng ký chất lượng và nhãn hiệu, có thị trường tiêu thụ rộng rãi.
Bà Trần Lâm Phương Tâm-Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Bơ Mỹ Hoàng Gia (thị trấn Ia Kha) cho hay: Trang trại của Công ty hiện có 14 ha bơ và sầu riêng. Thời gian qua, UBND huyện và Hội Nông dân huyện đã phối hợp cùng Công ty khảo sát tại 13 xã, thị trấn về chuyển đổi giống cây trồng phù hợp. Theo đó, Công ty cung cấp giống và hướng dẫn quy trình chăm sóc, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Công ty mong muốn người dân địa phương cùng liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu cây ăn quả ổn định, tạo điểm nhấn cho huyện trong thực hiện chương trình OCOP theo hướng bền vững. Để thực hiện chương trình một cách tốt nhất, Công ty đang triển khai đầu tư xây dựng chuỗi giá trị liên kết khép kín gồm: cây xăng, trạm dừng nghỉ có gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của người dân các xã sản xuất ra kết hợp cùng các dòng sản phẩm bơ, sầu riêng, mít và các loại trái cây cấp đông hoặc sấy khô do Công ty sản xuất. Bên cạnh đó, Công ty sẽ xây dựng các tour du lịch tham quan thắng cảnh trên địa bàn huyện; xây dựng một cửa hàng bán trái cây sạch tại TP. Pleiku để xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm của huyện Ia Grai…
Cùng với sản phẩm bơ và cà phê bột, trên địa bàn huyện Ia Grai còn nhiều sản phẩm đặc trưng khác như: chôm chôm Ia Tô, cá lồng nuôi trong lòng hồ thủy điện. Đặc biệt, các thắng cảnh thiên nhiên của huyện như: thác Mơ, sông Sê San… cũng đang là điểm đến thu hút khách du lịch. Đây là tiền đề quan trọng để huyện mở rộng thực hiện chương trình OCOP trong những năm tới.
Ông Phan Trung Tường-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai-cho hay: Những năm qua, các sản phẩm nông nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng theo chương trình OCOP. Huyện đã khảo sát và xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình này từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Năm 2019, huyện bắt đầu khởi động chương trình OCOP, trong đó tập trung xây dựng hệ thống thực hiện từ huyện đến xã; phấn đấu có 1-2 sản phẩm lợi thế phát triển hoàn thiện đạt tiêu chuẩn OCOP cấp huyện để tiếp tục đầu tư đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. Huyện cũng sẽ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chương trình OCOP cho cán bộ cấp huyện, xã, các hợp tác xã và doanh nghiệp; tổ chức khảo sát hiện trạng phát triển sản phẩm truyền thống, đánh giá ưu thế vượt trội, khả năng cạnh tranh để có giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất…
Dự kiến trong năm nay, huyện sẽ bố trí kinh phí khoảng 104 triệu đồng cùng vốn từ cộng đồng để thực hiện chương trình đạt kết quả cao nhất. Dù vậy, khó khăn hiện nay là nhiều sản phẩm còn sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, người dân làm theo kinh nghiệm nên chưa có sức cạnh tranh mạnh; sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu là chế biến thô, bao bì chưa đẹp. Bên cạnh đó, các tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn chưa xây dựng được mối liên kết tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.