Nâng cao chất lượng sống
Những năm gần đây, nhiều điểm lắp đặt thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời tại các không gian công cộng trên địa bàn Hà Nội đã trở thành nơi lựa chọn để rèn luyện sức khỏe của đông đảo người dân Thủ đô. Vào khung giờ tập thể dục cao điểm hằng ngày, các điểm tập luyện này luôn đông vui, thúc đẩy phong trào rèn luyện thân thể, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
Việc lắp đặt thiết bị thể dục - thể thao ngoài trời tại các vườn hoa, sân chơi, nhà văn hóa khu dân cư... là mô hình phù hợp với hầu hết địa phương trên địa bàn Thủ đô, bởi vừa tận dụng được không gian công cộng vừa phục vụ nhu cầu luyện tập của nhiều lứa tuổi. Nhờ mang lại hiệu quả thiết thực, nên từ những mô hình triển khai thí điểm vào năm 2014, đến nay, trên địa bàn toàn thành phố đã phát triển lên đến gần 2.000 điểm tập luyện. Điều đáng nói, từ những “hạt giống” ban đầu thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hầu hết các điểm tập luyện ngoài trời hiện nay được các địa phương triển khai đầu tư nhờ nguồn vốn xã hội hóa. Kết quả tích cực đó đã khẳng định tính thiết thực của mô hình và việc duy trì, nhân rộng thiết chế này là cần thiết trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, do các thiết bị tập luyện được lắp đặt ngoài trời, chịu ảnh hưởng của thời tiết, có cường độ sử dụng cao nên khó tránh khỏi việc hỏng hóc. Chưa kể, một bộ phận người dân khi sử dụng còn thiếu ý thức giữ gìn khiến thiết bị nhanh xuống cấp, gây ra sự lãng phí. Trong khi đó, nhiều nơi chưa có quy chế sử dụng, trách nhiệm trong quản lý thiếu rõ ràng nên các thiết chế thể dục - thể thao chưa phát huy được hiệu quả lâu dài.
Với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động thể dục - thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể của toàn dân, bên cạnh việc tiếp tục lắp đặt các điểm luyện tập mới, cần có một khung pháp lý để quản lý, vận hành thiết chế này. Trong đó, các quy định phải rõ về cơ chế sửa chữa, bảo dưỡng cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư trong quản lý, sử dụng thiết bị; quyền và nghĩa vụ của người tập luyện... Điều này sẽ giúp việc triển khai đạt hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Song, trong khi chờ cấp thẩm quyền xây dựng và ban hành khung pháp lý thì chính quyền cấp cơ sở cần linh động, sáng tạo trong việc đưa ra cách thức quản lý, như giao các hội, đoàn thể địa phương thường xuyên kiểm tra để thiết bị hỏng hóc được sửa chữa kịp thời; công khai số điện thoại của đơn vị quản lý cho người dân liên hệ khi cần thiết; đẩy mạnh triển khai việc xã hội hóa nguồn vốn bảo dưỡng, duy tu thiết bị... Mặt khác, các địa phương cần chủ động chuẩn bị mặt bằng cho việc tạo dựng thiết chế và kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này.
Để thiết lập được hệ thống thiết chế thể dục - thể thao tập luyện miễn phí, an toàn như hiện nay, cấp ủy, chính quyền các cấp đã phải rất nỗ lực. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ thiết bị khi luyện tập với nguyên tắc được sử dụng miễn phí thì càng phải trân trọng, giữ gìn để cộng đồng cùng hưởng lợi.
Những điểm tập luyện cộng đồng là một trong những hình thức mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động thể dục - thể thao quần chúng, mang đến cơ hội rèn luyện sức khỏe cho tất cả mọi người. Với một cơ chế vận hành hoàn thiện, cả xã hội cùng chung tay phát triển, thiết chế này sẽ phát huy tối đa hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên địa bàn Thủ đô.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/994082/nang-cao-chat-luong-song