Nâng cao chất lượng sống ở chung cư (*): Lo ngại trục lợi quỹ bảo trì

Nhiều chung cư gặp khó khăn trong công tác bảo trì, sửa chữa vì chủ đầu tư không bàn giao quỹ bảo trì. Thế nhưng khi tiếp nhận tiền, phát sinh mâu thuẫn, cư dân cho rằng ban quản trị trục lợi

Tại chung cư The Eastern (phường Phú Hữu, TP Thủ Đức), cư dân phải bầu lại ban quản trị (BQT) mới sau 1 năm thành lập vì nghi ngờ BQT cũ không rõ ràng trong việc chi 6 tỉ đồng quỹ bảo trì.

Ban quản trị lạm quyền

Theo cư dân, BQT không báo cáo quỹ bảo trì hằng tháng cho cư dân, giấu nhiều khoản chi... Cư dân cũng cho hay trưởng và phó BQT không tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, chi tiền trái với nguyên tắc tài chính. BQT đưa ra nhiều khoản chi không có kế hoạch…

Tháng 10-2023, BQT mới tiến hành kiểm toán nhưng công ty kiểm toán không thể làm rõ bởi quá nhiều khoản chi không có hoặc không đủ chứng từ. "Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng song bức xúc của cư dân đến nay vẫn chưa được giải quyết" - một cư dân nói.

Tương tự, tháng 7-2023, tại chung cư Gia Hòa (phường Phước Long B, TP Thủ Đức), chính quyền địa phương phải tổ chức lại hội nghị nhà chung cư bất thường để bầu lại BQT mới. Trước đó, hầu hết cư dân đã yêu cầu BQT từ nhiệm vì quản lý hơn 60 tỉ đồng quỹ bảo trì không hiệu quả. Nhiều hạng mục chung cư xuống cấp như thang máy rò rỉ nước, hộp phòng cháy chữa cháy không có thiết bị... không được BQT chi tiền để khắc phục.

Lãnh đạo UBND phường Phước Long B cảnh báo hiện có tình trạng một số người đi mua chung cư trên địa bàn, sau đó vận động để vào BQT. Và cuối cùng là dùng quyền của BQT để chi quỹ bảo trì không đúng quy định.

Mới đây, một số cư dân chung cư Bình Minh (phường An Khánh, TP Thủ Đức) cũng gửi đơn đến UBND TP Thủ Đức và một số đơn vị liên quan để phản ánh việc BQT chung cư không công khai, minh bạch các hoạt động, đặc biệt là vấn đề tài chính.

Vi phạm

Luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Luật Chân Thiện Mỹ, cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành, BQT nhà chung cư là chủ thể có trách nhiệm quản lý, sử dụng quỹ bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được hội nghị nhà chung cư thông qua hằng năm. Việc sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật và phải báo cáo tại hội nghị nhà chung cư. Sử dụng sai mục đích quỹ bảo trì là hành vi vi phạm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, theo khoản 2 điều 69 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, trường hợp BQT có những hành vi như: Quản lý, sử dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; không báo cáo hội nghị nhà chung cư về việc thu, chi theo quy định; không lập kế hoạch bảo trì hằng năm hoặc lập kế hoạch bảo trì hằng năm không đầy đủ nội dung theo quy định có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

Chung cư The Eastern phải bầu lại BQT mới sau 1 năm thành lập vì cư dân nghi ngờ BQT cũ chi tiêu không rõ ràng 6 tỉ đồng quỹ bảo trì. Ảnh: ANH VŨ

Chung cư The Eastern phải bầu lại BQT mới sau 1 năm thành lập vì cư dân nghi ngờ BQT cũ chi tiêu không rõ ràng 6 tỉ đồng quỹ bảo trì. Ảnh: ANH VŨ

Trường hợp chủ đầu tư, BQT chung cư có ý thức chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" được quy định tại điều 175 Bộ Luật Hình sự 2015 với mức án cao nhất lên đến 20 năm tù giam.

Như vậy, đối với hành vi sử dụng sai mục đích quỹ bảo trì nhà chung cư, pháp luật hiện hành đã có các chế tài xử lý tương xứng. Do đó, trường hợp nhận thấy quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, cư dân tại các tòa nhà chung cư có thể gửi kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết.

Mặt khác, trường hợp chủ đầu tư, BQT tòa nhà chung cư không có ý thức chiếm đoạt nhưng vì các lý do liên quan mà chưa bàn giao lại quỹ bảo trì cho cư dân thì cư dân có thể tiến hành khởi kiện những chủ thể này tại tòa án.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM, trong tổng số 1.635 chung cư thì số chung cư phải lập BQT là 1.059 chung cư. Trong đó, 862 chung cư đã thành lập BQT, 41 chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng chưa bầu BQT. 197 chung cư chưa thành lập BQT do chung cư thấp tầng, ít căn hộ, không có thang máy nên hoạt động theo mô hình tự quản; chủ đầu tư chậm tổ chức hoặc hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành công hoặc không tổ chức...

Tổng số nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì là 401, chưa bàn giao là 227. Trong đó, 43 chung cư tranh chấp quỹ bảo trì do chủ đầu tư cố tình không bàn giao, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ hoặc chủ đầu tư cố tình né tránh, chiếm dụng quỹ bảo trì phần sở hữu chung của chung cư…

Nhận từ 2.000 - 2.500 đơn khiếu nại/ năm

Tại Hội nghị Doanh nghiệp - chính quyền TP HCM với chuyên đề "Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP HCM", ông Đỗ Đức Thắng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, cho biết trung bình một năm Bộ Xây dựng nhận từ 2.000 - 2.500 đơn khiếu nại và đa phần liên quan tranh chấp quỹ bảo trì và các vấn đề quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 3-9

ANH VŨ - QUỐC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-cao-chat-luong-song-o-chung-cu-lo-ngai-truc-loi-quy-bao-tri-19624090420411876.htm