Nâng cao chất lượng thảo luận các văn kiện tại Đại hội đảng bộ cơ sở
(LĐ online) - Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có ý nghĩa trọng đại đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Kết quả của đại hội đảng bộ cấp cơ sở góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội đại biểu cấp trên trực tiếp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Một trong những khâu, yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của đại hội đảng cấp cơ sở là chất lượng thảo luận các văn kiện. Theo đó, cần phải chú trọng nâng cao chất lượng thảo luận các văn kiện tại đại hội đảng bộ cấp cơ sở, không được xem nhẹ, hình thức, chiếu lệ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời rất coi trọng việc thảo luận trong đại hội đảng. Dưới tiêu đề bài báo “Một cách thảo luận dự thảo Điều lệ Đảng”, đăng trên báo Nhân Dân ngày 03/4/1960, Người đã viết: “Đại hội Đảng là một dịp rèn luyện chính trị rất quan trọng và rất rộng khắp cho toàn Đảng. Cho nên tất cả các đảng viên cần phải hăng hái tham gia thảo luận”(1). Người chỉ rõ: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa. Cho nên, toàn thể đồng chí ta phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào, để đảm bảo đại hội thành công thật tốt đẹp”(2).
Thời gian qua, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của các cấp, nhiều tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức thành công đại hội đảng cấp mình. Điểm nổi bật là các tổ chức cơ sở đảng đã chuẩn bị tốt văn kiện và nhân sự đại hội; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, công tác thi đua; quá trình tổ chức đại hội đã tuân thủ đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục, tạo sự đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ; nhiều ý kiến tham gia thảo luận, đóng góp vào các văn kiện đại hội có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng, thể hiện trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm cao; không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, đoàn kết. Tuy nhiên, một số tổ chức cơ sở đảng trong quá trình tổ chức đại hội, chất lượng thảo luận các văn kiện chưa cao, còn nhiều ý kiến xuôi chiều, tập trung vào câu chữ mà chưa phát hiện, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, những vấn đề mới, chưa bổ sung được nhiều quan điểm, chủ trương, biện pháp lãnh đạo nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu và các khâu đột phá được xác định trong các văn kiện. Các ý kiến đóng góp vào báo cáo kiểm điểm của cấp ủy chưa thực sự đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, còn nể nang, né tránh, “dĩ hòa vi quý”, nên khi đề cập đến những tồn tại, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, bí thư, phó bí thư thường chung chung, mờ nhạt, ngại va chạm... Để nâng cao chất lượng thảo luận các văn kiện tại đại hội đảng bộ cấp cơ sở, cần thực hiện tốt các nội dung, biện pháp sau.
Một là, các đoàn đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cơ sở cần chủ động phân công đại biểu chuẩn bị tốt nội dung tham gia thảo luận trong đại hội.
Các nội dung phát biểu tại đại hội phải được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc, có cơ sở lý luận và thực tiễn sâu sắc, đồng thời phản ánh ý chí, nguyện vọng, trí tuệ của đảng viên, quần chúng cơ sở; có thể thông qua, tiếp thu ý kiến đóng góp của tập thể để nội dung chuẩn bị tốt hơn. Các đại biểu dự đại hội phải xác định rõ ý thức trách nhiệm, chuẩn bị kỹ nội dung, sẵn sàng tham gia thảo luận, tranh luận trong đại hội. Tránh tình trạng chỉ một số đại biểu được phân công phát biểu trong đại hội thì mới chuẩn bị nội dung, còn các đại biểu khác chỉ có nhiệm vụ giơ tay biểu quyết.
Hai là, trong đại hội đảng bộ cấp cơ sở, đoàn chủ tịch cần gợi mở, định hướng thảo luận tập trung vào những điểm mới, nội dung quan trọng, những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thực tế cho thấy, nhiều đại biểu tham gia ý kiến trong đại hội đảng bộ cấp cơ sở nặng về báo cáo thành tích của cơ quan, đơn vị mình, sau đó kiến nghị, đề xuất một vài điểm mà ít thảo luận, tranh luận, đưa ra những lý lẽ, luận cứ khoa học, số liệu, dẫn chứng để minh chứng nội dung phát biểu. Dẫn đến không khí trong đại hội thường đơn điệu, xuôi chiều, chất lượng thảo luận các văn kiện không cao, nhiều nội dung quan trọng không được làm sáng tỏ. Vì vậy, trong đại hội cần gợi mở, định hướng các đại biểu thảo luận tập trung vào quan điểm đánh giá kết quả lãnh đạo nhiệm kỳ qua; những khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đặc biệt là những điểm mới, những quan điểm, chủ trương, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá, những giải pháp và những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Trên cơ sở đó, các đại biểu lựa chọn, suy nghĩ kỹ lưỡng vấn đề, nội dung phát biểu, tranh luận đi đến thống nhất cao về nhận thức tư tưởng và hành động của toàn thể đảng viên trong đại hội.
Ba là, trong đại hội, các ý kiến thảo luận phải thể hiện tính Đảng, tính dân chủ, đấu tranh tự phê bình và phê bình cao.
Đại hội cần phải tạo không khí cởi mở, đoàn kết, dân chủ, để đảng viên được bày tỏ chính kiến, thể hiện tính Đảng, tính đấu tranh tự phê bình và phê bình trong tham gia đóng góp ý kiến vào các văn kiện đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: Phải thật sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị đại hội cho thật tốt. Trong đại hội đại biểu đảng bộ cơ sở cần tuyệt đối tránh tình trạng công khai, hoặc ngấm ngầm kỳ thị, trù dập những đại biểu có ý kiến trái ngược. Mặt khác, cần phê phán, ngăn ngừa hiện tượng sau khi đại hội đã biểu quyết thông qua, tùy tiện phát tán ý kiến cá nhân, phủ nhận ý kiến của tập thể; tranh thủ các “diễn đàn” để bảo vệ ý kiến của mình, không thừa nhận ý kiến của tập thể.
Hiện nay, các tổ chức đảng trong cả nước đang khẩn trương tiến hành đại hội đảng bộ cấp cơ sở. Nâng cao chất lượng thảo luận các văn kiện góp phần quan trọng vào thành công của đại hội đảng bộ cấp cơ sở là trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đồng thời thể hiện rõ ý thức trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh, tính Đảng của mỗi đại biểu dự Đại hội.
Tài liệu tham khảo:
(1). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, Tập 10, tr. 117.
(2). Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, HN, 2002, Tập 10, tr.119.