Nâng cao chất lượng thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh
Thảo luận tại kỳ họp là hoạt động quan trọng thực hiện theo quy định của luật, vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm của đại biểu HĐND. Gần đây, chất lượng thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XVIII (nhiệm kỳ 2016-2021) ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề cần quan tâm khi tham gia thảo luận.
Ý kiến thảo luận cần “có tầm”
Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh đã gửi tới các đại biểu HĐND một số gợi ý nội dung thảo luận tại kỳ họp, bao gồm các vấn đề chung và vấn đề cụ thể liên quan đến lĩnh vực kinh tế - ngân sách, văn hóa - xã hội, pháp chế. Có thể nói đó là những tài liệu rất có giá trị, được các Ban và Văn phòng HĐND tỉnh tham mưu, chắt lọc từ các kênh giám sát, thẩm tra, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nghiên cứu các báo cáo của UBND tỉnh.
Giải pháp này góp phần khắc phục tình trạng thiếu thông tin do đặc thù phần lớn các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, lại thuộc nhiều cơ cấu thành phần, vị trí công tác, năng lực trình độ khác nhau. Đồng thời, cũng giúp cho việc định hướng thảo luận tại kỳ họp tập trung hơn.
Từ đầu nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã đưa tiêu chí thảo luận tại kỳ họp là một trong 17 tiêu chí chấm điểm thi đua đánh giá chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND trong một năm, góp phần khích lệ các đại biểu tích cực tham gia thảo luận. Mỗi kỳ họp, hoạt động thảo luận được dành tới 50% thời lượng. Cũng tại mỗi kỳ họp có khoảng 70 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại tổ và 10 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường, chất lượng thảo luận tốt góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh.
Bên cạnh những ý kiến thảo luận có chất lượng, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nội dung và thời điểm đang diễn ra kỳ họp, vẫn còn không ít những ý kiến phát biểu sơ sài, vụn vặt. Có đại biểu không bám sát vào các vấn đề đã được gợi ý hoặc nội dung các báo cáo trình kỳ họp mà sa đà vào việc phản ánh hiện tượng, vụ việc cụ thể nơi mình sống, công tác. Mặc dù các kỳ họp gần đây đã chuyển biến nhưng vẫn còn không ít đại biểu khi tham gia thảo luận tại hội trường đã tranh thủ báo cáo kết quả, thành tích đạt được của đơn vị, địa phương mình.
Có đại biểu ở cơ sở trong ý kiến phát biểu chỉ phản ánh, nêu lại kiến nghị của cử tri nơi mình ứng cử, trong khi ý kiến đó đã được tổng hợp vào báo cáo trình kỳ họp, hoặc đã được giải quyết từ các kỳ họp trước. Thậm chí có những đại biểu coi phiên thảo luận tại tổ như là một dịp để kiến nghị “xin” đầu tư đường, trường, trạm, cụ thể ở địa phương, coi đó như là một việc đã “hoàn thành” trách nhiệm cử tri gửi gắm.
Thiết nghĩ, để HĐND tỉnh thực hiện tốt chức năng quyết định và giám sát những vấn đề quan trọng, xứng tầm là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương như Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định, mỗi đại biểu HĐND tỉnh cần “có tầm” ngay cả trong các ý kiến thảo luận tại kỳ họp.
Không nên sa đà vào những vấn đề vụn vặt, nên quan tâm tới những vấn đề lớn liên quan đến tình hình, giải pháp phát triển KT-XH ở địa phương, những vấn đề “nóng” đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của dư luận. Từ góc nhìn của ngành mình, địa phương mình, đại biểu đề xuất những vấn đề cần xây dựng thành chính sách. Đại biểu không nhất thiết phải thảo luận tất cả các vấn đề, chỉ nên lựa chọn những vấn đề bản thân mình đã nắm chắc hoặc quan tâm nhất.
Không nên “bỏ quên” dự thảo nghị quyết
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương hiện hành quy định về trình tự thông qua dự thảo nghị quyết, đề án, báo cáo tại kỳ họp HĐND đã nhấn mạnh việc tiến hành thảo luận tại tổ, tại phiên họp toàn thể đối với các dự thảo nghị quyết trước khi thông qua. Trong quá trình chỉ đạo chuẩn bị cho kỳ họp cũng như trong các nội dung gợi ý thảo luận, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã lưu ý điều này.
Mỗi kỳ họp, hoạt động thảo luận được dành tới 50% thời lượng; có khoảng 70 lượt ý kiến thảo luận tại tổ và 10 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. Chất lượng thảo luận tốt góp phần quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, thực tế các kỳ họp diễn ra thời gian qua cho thấy các phiên thảo luận tại tổ, tại hội trường phần lớn đại biểu chỉ tập trung đề cập tới các vấn đề liên quan tới KT-XH. Việc thảo luận về các dự thảo nghị quyết trình kỳ họp chưa được nhiều đại biểu quan tâm. Phần lớn còn phó thác vào các ý kiến qua thẩm tra của các Ban của HĐND.
Do văn bản tại mỗi kỳ họp nhiều, nhất là tại các kỳ họp cuối năm, lại gửi qua mạng nên có đại biểu trước kỳ họp chưa kịp nghiên cứu kỹ. Những năm gần đây quy trình xây dựng các dự thảo nghị quyết trình HĐND đã được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, trong đó các văn bản quy phạm pháp luật còn được đăng tải để lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh song hình thức này chưa thu hút được nhiều ý kiến tham góp.
Thời gian qua, trong quá trình thẩm tra, các Ban của HĐND tỉnh đã phát huy cao trách nhiệm, tổ chức khảo sát thực tế, nâng cao tính phản biện song việc xem xét, đánh giá tác động cũng chỉ ở phạm vi nhất định.
Vì vậy, thảo luận đối với dự thảo các nghị quyết tại kỳ họp chính là thêm một lần tham vấn ý kiến nhân dân thông qua các đại biểu HĐND là người đại diện. Làm tốt điều này sẽ góp phần dự báo được tác động của chính sách, bảo đảm khi nghị quyết được thông qua sẽ phù hợp với thực tế hơn, tránh tình trạng nghị quyết vừa thông qua một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung vì không phù hợp.
Phát biểu phải có chính kiến
Một yếu tố rất quan trọng đánh giá năng lực hoạt động của đại biểu tại mỗi kỳ họp, đó là kỹ năng phát biểu thảo luận, kỹ năng chất vấn. Để ý kiến thảo luận chất lượng, tạo được ấn tượng, các đại biểu HĐND, nhất là các đại biểu ở cơ sở mới tham gia ứng cử lần đầu cần luyện kỹ năng diễn đạt tự tin, lưu loát.
Nên đi vào thẳng vấn đề, không nói dài; chỉ nắm chắc, nắm sâu vấn đề mới phát biểu. Không lặp lại ý kiến người khác đã nói, phát biểu phải có chính kiến, quan điểm của cá nhân mình. Sẽ rất hữu ích nếu trong quá trình thảo luận đại biểu lắng nghe, ghi chép, tích lũy sàng lọc kiến thức qua ý kiến người khác phát biểu để tiếp tục tranh luận hoặc bổ sung hiểu biết của mình phục vụ hoạt động chuyên môn, đi tiếp xúc cử tri.
Đây là một kinh nghiệm quý, như không ít đại biểu HĐND tỉnh Bắc Giang các nhiệm kỳ trước đã từng đúc rút: 5 năm tham gia nhiệm kỳ hoạt động HĐND tỉnh có giá trị như học thêm một trường đại học.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ diễn ra kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVIII, cũng là kỳ họp cuối năm, đánh giá những kết quả đã đạt được trong năm 2019, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 - năm đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh. Hy vọng mỗi đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao trách nhiệm chuẩn bị thật tốt để bước vào kỳ họp, nhất là trong hoạt động thảo luận sẽ có nhiều đổi mới.
Lâm Dũng - Lê Huyền