Nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên

Trong tiến trình phát triển của xã hội đã có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức. Xây dựng văn hóa Đảng trở thành việc làm cần thiết hơn bao giờ hết để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, là danh dự và lương tâm của dân tộc. Bởi văn hóa trong Đảng là một bộ phận của văn hóa dân tộc; là nơi hội tụ, kết tinh, biểu hiện tập trung nhất của văn hóa trí tuệ dân tộc; là thước đo trình độ trưởng thành của Đảng và là nhân tố quan trọng quyết định năng lực lãnh đạo, khả năng cầm quyền của Đảng.

BÀI 2
ĐẤU TRANH CHỐNG SUY THOÁI VĂN HÓA TRONG ĐẢNG

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Báo cáo tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 cho thấy, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168 ngàn đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

Ở Bình Phước, theo báo cáo của UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh khóa X, 6 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện, xử lý tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị 6 vụ án/13 bị can; kỳ trước chuyển sang 4 vụ án/7 bị can, trong đó 3 vụ liên quan tới án tham nhũng, 1 vụ án chức vụ. Hiện đang tiếp tục điều tra 6 vụ án với 13 bị can.

Những con số nêu trên cho thấy sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện của tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất dân chủ, vô trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang làm vẩn đục văn hóa trong Đảng, làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, làm phương hại tới năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Không để dân mất lòng tin với Đảng

Chia sẻ về văn hóa trong Đảng, GS.TS khoa học Vũ Minh Giang, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Văn hóa chính trị bắt đầu từ cấu trúc nội tại của Đảng, nguyên tắc tổ chức lãnh đạo của Đảng. Văn hóa là tất cả những gì sáng tạo của một cộng đồng, vì sự tồn tại và phát triển của mình. Người đặt nền móng cũng như dày công xây dựng, sáng tạo và phát triển văn hóa là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo giáo sư, văn hóa trong Đảng đang được quan tâm nhiều là do chúng ta muốn củng cố vị trí, vai trò của đội ngũ tiên phong, lãnh đạo dân tộc. Hình ảnh của Đảng thể hiện ở lòng tin của nhân dân đối với Đảng. “Lòng tin của dân đối với Đảng ngày càng cao thì sức mạnh của Đảng sẽ càng lớn” - GS.TS khoa học Vũ Minh Giang nhấn mạnh.

Xây dựng văn hóa Đảng trong mỗi đảng viên từ những ngày mới kết nạp vào Đảng Cộng sản để Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh. Trong ảnh: Lễ kết nạp đảng viên ở Chi bộ Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng

Để tăng cường niềm tin của dân với Đảng, trong nhiều năm làm Bí thư chi bộ, bà Ngô Thị Kim Chi, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng luôn chỉ đạo các đảng viên trong chi bộ thực hiện nhất quán chủ trương gần dân, gắn kết chặt chẽ với nhân dân. Do đó, Chi bộ thôn 1 đã phân công đảng viên phụ trách từng hộ dân. Đến kỳ sinh hoạt hằng tháng, mỗi đảng viên báo cáo tình hình, phân tích những khó khăn, vướng mắc ngay khu vực mình phụ trách. Bởi vậy, trong nhiều hoạt động, khi cán bộ cùng tham gia các tổ chức, đoàn thể vận động đều được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Trong công tác quy hoạch, bên cạnh yếu tố tài năng phải chú trọng phẩm chất đạo đức, làm sao phải loại trừ thấp nhất hiện tượng tiêu cực trong chạy chức, chạy quyền… Chọn được nhân tố tốt, cán bộ có tài thì sẽ giảm thiểu được tiêu cực trong xã hội, giảm bớt tiêu cực trong xã hội ắt phải từ chỗ tăng cường xây dựng văn hóa Đảng.

GS.TS khoa học Vũ Minh Giang

Hiện nay, đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về văn hóa, yếu kém và thiếu hụt năng lực văn hóa, lệch chuẩn văn hóa. Đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, xây dựng văn hóa trong Đảng phải bắt nguồn từ chính mỗi cán bộ, đảng viên. Đó là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên để văn hóa Đảng không bị giảm sút, không tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội lợi dụng tấn công mà phải đấu tranh mạnh mẽ, đưa văn hóa trong Đảng ngày càng được tiếp biến, phát triển trường tồn. GS.TS Vũ Minh Giang hiến kế: Trước hết, chúng ta phải đề cao tinh thần trách nhiệm của từng đảng viên, từng cấp ủy, chức danh lãnh đạo. Thứ hai là làm sao cống hiến để được nhân dân đánh giá, ghi nhận. Thứ 3 là từ mỗi cán bộ, đảng viên đến tổ chức đều phải không ngừng rèn luyện.

“Tự sửa, tự soi”, tránh cám dỗ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hóa thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần, kiệm, liêm, chính, không tham danh vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”.

Soi rọi lời dạy của Bác vào thực tế hiện nay cho thấy, những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, sa vào cạm bẫy của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chống phá Đảng, Nhà nước. Ngược lại, trong các phong trào cách mạng, ở đâu cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu thực hiện đường lối, chính sách và trong lao động, sáng tạo thì ở đó phong trào phát triển mạnh, đạt hiệu quả cao. Điều này củng cố luận điểm, xây dựng phát triển văn hóa Đảng là nhiệm vụ then chốt và xuyên suốt.

Ông Đào Văn Phương, Bí thư Đảng ủy xã Thống Nhất phân tích: Đảng ta đã nhận định có số lượng đảng viên không nhỏ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Các thế lực thù địch theo đó đã dựa vào nội dung này để chống phá chúng ta. Với vai trò là đảng viên, Bí thư Đảng ủy, tôi nhận thức rõ vai trò này và tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, quán triệt đến từng đảng viên trong Đảng bộ. Mỗi người phải tự rèn luyện, tu dưỡng, tự soi, tự sửa và làm gương trước nhân dân. Mỗi đảng viên cần trang bị những kiến thức để phản biện lại sự chống phá của các thế lực thù địch.

“Để thực hành văn hóa nêu gương, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, ham tiền tài, danh vọng, vô cảm trước khó khăn của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là cách tự trang bị cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi sự chống phá của thế lực thù địch, đồng thời không ngừng góp phần củng cố, xây dựng văn hóa Đảng ngày càng phát triển bền vững” - ông Đào Văn Phương nhấn mạnh.

Ông Trần Anh Lục, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, xã Đường 10, huyện Bù Đăng cũng khẳng định, việc thực hành nguyên tắc tự phê bình, phê bình rất quan trọng. Ông Lục đánh giá việc tự soi, tự sửa là “điều cốt lõi, cơ bản để hoàn thiện bản thân, từ đó vững vàng trong công việc, cuộc sống”.

Trong bài phát biểu tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Phải xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hóa công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Trong từng giai đoạn khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp có tính đột phá, phù hợp với tình hình của đất nước, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả”.

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/66/136126/nang-cao-chat-luong-to-chuc-co-so-dang-dang-vien