Nâng cao chất lượng tổ chức học tập, tuyên truyền nghị quyết của Đảng
Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền về nghị quyết của Đảng là bước đầu quan trọng để tạo sự thống nhất, quyết tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai thực hiện nghị quyết.
Công tác tuyên truyền, triển khai học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng, từ đó đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là một trong những nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng ta.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Hải Dương đã luôn quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt và tuyên truyền các văn bản của Đảng nói chung và các nghị quyết của Đảng nói riêng. Theo đó, chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt, tuyên truyền nghị quyết của Đảng được nâng lên. Cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức được sâu sắc hơn những chủ trương, đường lối của Đảng, củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận cao trong việc thực hiện đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Tuy nhiên, việc triển khai học tập, quán triệt và tuyên truyền nghị quyết của Đảng còn một số hạn chế cần khắc phục. Việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết của Đảng ở một số cấp ủy, tổ chức Đảng chưa kịp thời, nội dung còn chung chung, chưa sát với thực tiễn nhiệm vụ chính trị. Việc thảo luận, lấy ý kiến góp ý vào chương trình, kế hoạch hành động ở một số địa phương, đơn vị còn mang tính hình thức, chất lượng chưa cao. Một số đảng viên còn có biểu hiện ngại học tập, ngại nghiên cứu. Chất lượng giới thiệu, truyền đạt của một số báo cáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trực tiếp giới thiệu, quán triệt nghị quyết của Đảng còn hạn chế. Việc đổi mới công tác tổ chức quán triệt, học tập các nghị quyết của Đảng chưa đáp ứng được yêu cầu...
Để nâng cao chất lượng tuyên truyền, quán triệt học tập nghị quyết của Đảng, các cấp ủy cần triển khai tốt một số nội dung.
Thứ nhất, chuẩn bị tốt việc tổ chức hội nghị (hoặc lớp học) nghị quyết từ việc nâng cao chất lượng ban hành kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt đến chuẩn bị tốt báo cáo viên. Khắc phục cho được tư tưởng học xong nghị quyết là xong, người học không quan tâm đến trách nhiệm của bản thân đối với việc triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nghị quyết trên các kênh thông tin đại chúng, trên nền tảng mạng xã hội, trên các nhóm liên kết... với các hình thức đa dạng, phong phú. Đặc biệt quan tâm tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị. Chú trọng mở các chuyên trang, chuyên mục trên báo, đài. Tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm ghi hình hình tập trung bàn luận, trả lời những câu hỏi cơ bản về nghị quyết như: lý do ban hành nghị quyết; thực trạng vấn đề nghị quyết đề cập hiện nay là gì; những quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cốt lõi nghị quyết nêu ra; cái mới của nghị quyết, vì sao mới và đặc biệt là trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết như thế nào. Bên cạnh đó, tăng cường biên tập các tài liệu hỏi - đáp về nghị quyết để phổ biến đến cơ sở. Tăng cường hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên trong các buổi sinh hoạt, nhất là sinh hoạt chi bộ, chi đoàn, chi hội. Tổ chức các cuộc thi (trực tiếp, hay trực tuyến trên mạng), sáng tác văn nghệ, tác phẩm... tìm hiểu, tuyên truyền về nghị quyết, thậm chí sân khấu hóa để chuyển tải những nội dung cốt lõi thông qua biểu diễn các tác phẩm nghệ thuật...
Các cấp ủy cần thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên để đội ngũ này đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ tuyên truyền, quán triệt nghị quyết của Đảng.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ việc xây dựng các văn bản triển khai; mở hội nghị học tập, viết thu hoạch. Trên cơ sở đó, kịp thời biểu dương khen thưởng những cách làm hay, những điểm hình tốt; kịp thời phát hiện khó khăn, những vấn đề phức tạp nảy sinh để điều chỉnh, khắc phục nhằm đưa nghị quyết vào cuộc sống một cách sáng tạo và hiệu quả.
LÊ VĂN BẰNG (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)