Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn
Tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập, nhằm tập hợp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, vừa mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống. Những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Sơn La duy trì hiệu quả hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, giúp đối tượng chính sách tiếp cận, sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích.
Năm 2021, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bà Lò Thị Sọn, bản Nam, xã Hua La, Thành phố được vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH, đầu tư trang trại tổng hợp nuôi gà thịt, ba ba và trồng cà phê.
Bà Sọn chia sẻ: Tham gia Tổ TK&VV, giúp tôi hiểu rõ các chương trình tín dụng, tư vấn hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn các chương trình cho vay phù hợp với nhu cầu. Quá trình xét duyệt hồ sơ công khai, minh bạch, được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục giải ngân nhanh chóng. Với số tiền được vay, gia đình đầu tư làm chuồng trại tổng hợp trên 1,6 ha trồng cà phê, nuôi 8.000 con gà thịt, 600 con ba ba, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động chính của gia đình, đem lại thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Quàng Văn Óng, bản Nam, xã Hua La, Thành phố, là một trong Tổ trưởng Tổ TK&VV tiêu biểu, đang quản lý 48 hộ vay, tổng dư nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Ông Óng nói: Tôi đã giúp các hộ, là đối tượng cho vay chính sách xã hội, đủ điều kiện vay vốn tiếp cận với nguồn vốn. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của bà con tập trung vào chăn nuôi rất cao. Các hộ vay được giải ngân vốn, rất quý trọng nguồn vốn, nỗ lực sử dụng hiệu quả vốn vay, thực hiện trả gốc và lãi định kỳ theo quy định.
Tại huyện Mai Sơn, giúp nhân dân tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, 519 TK&VV tích cực tuyên truyền các chương trình cho vay, quy định thời hạn vay, mức vay, lãi suất, hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn, thực hiện bình xét công khai, dân chủ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mai Sơn, thông tin: Quá trình sử dụng vốn, các tổ trưởng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc kịp thời các khoản nợ sắp đến hạn, nợ quá hạn. Những vướng mắc, khó khăn được báo cáo kịp thời cho tổ chức hội trực tiếp quản lý, cán bộ tín dụng phụ trách xã giải quyết.
Xác định tổ TK&VV có vai trò quan trọng trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội, những năm qua, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh cùng các địa phương và 4 tổ chức hội, đoàn thể, mở rộng mạng lưới hoạt động đến các thôn, bản, tiểu khu. Phân công cán bộ phối hợp với các địa phương, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, đôn đốc thu hồi nợ, lãi tồn đọng. Hằng tháng, trong các buổi giao dịch cố định tại xã, thị trấn, các tổ trưởng tổ TK&VV trực tiếp tham gia giao ban với phòng giao dịch, kịp thời nắm bắt các chương trình, chính sách mới và phổ biến tới nhân dân, thông tin kịp thời những khó khăn, tồn tại của tổ và các hộ vay để có hướng xử lý kịp thời.
Toàn tỉnh hiện có 3.792 tổ TK&VV đang hoạt động với tổng dư nợ ủy thác trên 6.500 tỷ đồng. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh và phòng giao dịch các huyện luôn phối hợp với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá, xếp loại để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV.
Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, cho biết: Hằng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ TK&VV về việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách và mục đích sử dụng vốn vay tại cơ sở; kiểm tra mục đích sử dụng vốn sau cho vay. Đến nay, tỷ lệ nợ quá hạn giảm 0,33% so với năm 2014; toàn tỉnh có 127/204 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn; 446/515 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn.
Đưa hoạt động các tổ TK&VV ngày càng đi vào nền nếp, đóng góp hiệu quả hơn cho hoạt động tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo phòng giao dịch các huyện phối hợp ban đại diện - hội đồng quản trị các cấp và các hội, đoàn thể, nhận ủy thác phát huy vai trò tham mưu, thường xuyên tổ chức kiểm tra, củng cố, kiện toàn kịp thời các tổ TK&VV hoạt động không hiệu quả; thường xuyên tập huấn cán bộ hội, tổ trưởng tổ TK&VV, nâng cao vai trò, trách nhiệm việc nhận ủy thác, thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tín dụng chính sách.