Nâng cao chất lượng trái vải Việt Nam để tăng sức cạnh tranh tại thị trường Australia

Các vùng trồng vải cần có chính sách xuất khẩu sang thị trường Úc, áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối để khẳng định chất lượng, cần thống nhất xây dựng nhãn hiệu vùng trồng trên từng thùng…

Cần chú trọng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Cần chú trọng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết quả vải Việt Nam tại thị trường này đang gặp nhiều thách thức. Nguyên nhân là do sản lượng vải tươi ở Australia năm nay tốt nhất trong các năm.

TRÁI VẢI VIỆT NAM GẶP KHÓ TẠI AUSTRALIA

Theo ông Mr. Foley, Chủ tịch Hiệp hội quả vải Australia, sản lượng vải Australia năm nay tăng vọt, lên đến 40%. Mùa vụ thu hoạch trễ, thị trường “no vải” Australia chỉ vài tháng trước mùa vụ của Việt Nam. Bên cạnh đó, quả vải Trung Quốc cập bến Australia trước và rẻ hơn vải Việt Nam. Sức mua vải tươi trên thị trường giảm sút do cơn bão giá thuê nhà tại Australia.

Nhận biết các nhà nhập khẩu vải tại Australia e ngại nhập vải Việt Nam, nên ngay từ tháng 4, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã liên tục vận động, cam kết đồng hành. Chính vì vậy, vải Việt Nam nhập đường hàng không với chất lượng tốt, đã được tiêu thụ với giá khoảng 400.000 đến 500.000 đồng/1kg. Trong khi đó, hàng chục tấn vải đi đường biển cũng vừa thông quan và đưa ra thị trường nhiều bang với giá bán khoảng 260.000 đồng/kg.

Để có được kết quả này, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã phối hợp triển khai xúc tiến quyết liệt. Cụ thể, liên kết quảng bá quả vải trên các nền tảng trực tuyến được nhiều người truy cập; kết hợp quảng bá du lịch, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ tiến tiến tại Việt Nam

Hai nền tảng trực tuyến DirectFlights và Ezy Healthcare đã nhất trí ủng hộ quảng bá, vận động tiêu thụ quả vải Việt Nam tại thị trường Australia và các nước có liên quan trong hoạt động của đơn vị.

Đồng thời phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Australia để quảng bá thu hút nhiều khách đến Việt Nam du lịch và khách đến nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ.

Chung tay vì quả vải và người nông dân Việt, nền tảng Direct Flights& Ezy Healthcare, đồng ý tài trợ 01 vé máy bay khứ hồi chặng Australia - Việt Nam để thúc đẩy tiêu thụ vải Việt Nam và cam kết tích cực phối hợp quảng bá quả vải Việt Nam trên nền tảng nổi tiếng tại Australia.

Thương vụ đã tích cực quảng bá quả vải qua các kênh của Thương vụ, gửi các tài liệu quảng bá đến các Hiệp hội, nhà xuất khẩu từ trước mùa vải...

Poster quảng bá mua vải, bốc thăm trúng thưởng vé máy bay khứ hồi Australia-Việt Nam.

Poster quảng bá mua vải, bốc thăm trúng thưởng vé máy bay khứ hồi Australia-Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Australia chia sẻ, sau khi triển khai chương trình hành động 3 năm qua, từ quả vải không được gắn thương hiệu doanh nghiệp dẫn đến chất lượng không bảo đảm, đến nay quả vải Việt đã được các nhà nhập khẩu nâng niu về thương hiệu và chất lượng hơn.

CẦN XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU VẢI VIỆT NAM LOẠI 1

Tuy nhiên, để thành công trong mùa vải năm tới, Thương vụ cho rằng nếu không cải tiến quyết liệt, quả vải Việt sẽ khó phát triển thị trường tại Australia.

Bên cạnh nhãn hiệu nhà xuất khẩu, đã đến lúc vải Việt Nam cần thống nhất xây dựng nhãn hiệu vùng trồng trên từng thùng. Thương vụ luôn chủ động tiếp thị, tạo hiệu ứng tốt về vải Việt Nam, nhưng nhận diện thương hiệu vùng trồng và quản lý chất lượng đồng nhất cần đẩy mạnh.

Mùa vụ vải Australia ngày càng dài, chất lượng tốt, Thương vụ mong muốn vùng trồng vải phối hợp xây dựng thương hiệu vải Việt Nam loại 1 tại Australia (Premium) để khẳng định chất lượng, phát triển thị trường.

Ngoài ra, các thùng carton đựng vải cần gia cố cứng hơn để đảm bảo không bị méo, bẹp khi vận chuyển.

Cần ưu tiên đưa vải đến Australia sớm hơn và đề nghị vùng trồng phối hợp Thương vụ để tổ chức lễ hội dùng thử vải hằng năm.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, có hiện tượng nhà xuất khẩu chỉ cần xuất vào Australia 1 vài tấn để lấy thương hiệu, chứ không chú trọng đẩy mạnh sản lượng, do tâm lý muốn bán số lượng lớn đi các thị trường khác. Do đó, nên đề nghị vùng trồng cần có chính sách xuất khẩu sang Australia để khẳng định chất lượng vải Việt Nam tại thị trường khó tính.

Đồng thời, đã đến lúc cần đẩy mạnh chế biến vải đóng hộp, vải khô, cocktail vải không cồn (xu hướng tiêu thụ cocktail không cồn tại Australia gia tăng).

ĐÁP ỨNG CÁC TIÊU CHUẨN XUẤT KHẨU NGHIÊM NGẶT

Các nhận định cho rằng xuất khẩu vải thiều còn nhiều cơ hội trong thời gian sắp tới nhờ vào những ưu đãi trong các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác.

Trong đó, Australia là một thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng cho vải thiều Việt Nam khi mà chúng ta đã thành công ký kết 3 FTAs gồm Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Song để việc xuất khẩu vải thiều sang Australia được thuận lợi trong những năm tiếp theo, bên cạnh việc xúc tiến hỗ trợ và tiêu thụ quả vải của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Thế Phi, Phó Chủ tịch UBND Huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang mong muốn các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà vườn trên địa bàn cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều kiện nhập khẩu quả vải từ thị trường Australia.

Trong đó, chú trọng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở ngưỡng cho phép, quy trình đóng gói được cấp mã của Cục bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ứng dụng công nghệ số hóa trong canh tác cây trồng.

Đồng tình, Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) cũng đánh giá, Australia là một thị trường tiềm năng, có nhu cầu lớn về hoa quả tươi nhưng cũng rất khó tính. Muốn vào được thị trường này, chính quyền các cấp cũng như các doanh nghiệp sản xuất vải cần phải nỗ lực hơn nữa, áp dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối để có thể nâng tầm chất lượng cho sản phẩm vải Việt Nam.

Các vùng trồng cần chủ động tìm hiểu các quy định nhập khẩu của nhiều quốc giá đối với quả vải tươi. Theo dõi tình hình sâu bệnh kỹ lưỡng, tuân chủ chặt chẽ phun thuốc và cách ly.

Bên cạnh đó, cơ quan địa phương, cán bộ khuyến nông xã cần tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức của các hộ dân quyết tâm chuyển hướng hình thành các vùng trồng đạt tiêu chuẩn Global Gap và các tiêu chuẩn xuất khẩu nghiêm ngặt khác.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nang-cao-chat-luong-trai-vai-viet-nam-de-tang-suc-canh-tranh-tai-thi-truong-australia.htm