Nâng cao chất lượng trong điều trị ung thư
Ngày 12/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra Hội nghị Quốc tế về điều trị Ung thư với chủ đề 'Truyền thống và hiện đại'.

Quang cảnh hội nghị.
Sự kiện do Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp với các cơ sở y tế tại Đài Loan tổ chức, nhằm hướng tới tăng cường nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và nâng cao chất lượng trong điều trị ung thư.
Tại Hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sỹ Lâm Việt Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, đơn vị là một trong 5 bệnh viện đặc biệt tại Việt Nam, luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như khám, chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế nhằm cập nhật các tiến bộ y học, nâng cao chất lượng điều trị. Trước thực trạng ung thư ngày càng gia tăng tại Việt Nam và thế giới, ngành y tế đang nỗ lực đẩy mạnh phát hiện sớm, điều trị hiệu quả và chuyển đổi số trong hoạt động y tế. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ứng dụng nhiều phương pháp tiên tiến như hóa trị, xạ trị và điều trị đa mô thức nhằm cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân.
Phó giáo sư, Tiến sỹ Lâm Việt Trung mong rằng, Hội nghị sẽ là diễn đàn trao đổi chuyên môn cởi mở, cập nhật các xu hướng mới như y tế thông minh, điều trị không xâm lấn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong điều trị ung thư; góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia của Việt Nam và Đài Loan đã thảo luận nhiều nhóm nội dung về điều trị ung thư không xâm lấn; Điều trị ung thư bằng phẫu thuật; Y tế thông minh và những xu hướng, tiến bộ mới nhất trong điều trị và phòng ngừa ung thư, bao gồm liệu pháp xạ trị bằng ion nặng, phẫu thuật bằng robot, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp tế bào, quản lý bệnh viện thông minh, ứng dụng AI và dữ liệu lớn trong quản lý y tế, hay kỹ thuật cấy ghép gan, ghép tủy xương điều trị ung thư máu…

Ông Guo - Yao Han, đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ tại hội nghị.
Về tầm quan trọng của việc kết hợp y học truyền thống và hiện đại trong điều trị ung thư, ông Guo - Yao Han, đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, những tiến bộ y học gần đây như phẫu thuật robot, xạ trị, hóa trị tiên tiến và liệu pháp miễn dịch hiện đại đã góp phần nâng cao đáng kể hiệu quả điều trị và cải thiện tiên lượng cho người bệnh. Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra nhiều tiềm năng mới cho ngành y tế. AI không chỉ hỗ trợ trong công tác chẩn đoán hình ảnh và sàng lọc bệnh mà còn đóng vai trò trong xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa, dự báo diễn tiến bệnh và tối ưu hóa quy trình vận hành bệnh viện.
Tuy nhiên, theo ông Guo-Yao Han, AI dù có nhiều ưu thế nhưng không thể thay thế hoàn toàn vai trò của y học cổ truyền, đặc biệt trong chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân ung thư. Y học cổ truyền có thể hỗ trợ hiệu quả trong phòng bệnh, tăng cường thể trạng, giảm nhẹ tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị hiện đại cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh trong giai đoạn điều trị và chăm sóc giảm nhẹ.
“Việc tích hợp hai nền tảng y học hiện đại và cổ truyền không chỉ mở ra hướng đi toàn diện trong điều trị ung thư mà còn phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội và thói quen chăm sóc sức khỏe tại châu Á, trong đó có Việt Nam và Đài Loan”, ông Guo-Yao Han cho biết.
Về lồng ghép trí tuệ nhân tạo trong việc chăm sóc sức khỏe, Giáo sư Jaw-Yuan Wang, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Cao Hùng (Đài Loan) cho rằng, việc tích hợp AI vào hệ thống y tế không chỉ giúp nâng cao độ chính xác trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh mà còn hỗ trợ hiệu quả trong xây dựng các phác đồ điều trị cá thể hóa, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tải cho đội ngũ y tế.
Theo Giáo sư Jaw-Yuan Wang, các bệnh viện tuyến đầu tại Đài Loan đã bước đầu áp dụng AI trong nhiều lĩnh vực như nội soi hỗ trợ phát hiện ung thư đường tiêu hóa, hệ thống đánh giá nguy cơ tái phát ung thư, hay phần mềm quản lý dữ liệu lâm sàng tự động hóa. Những ứng dụng này giúp tối ưu hóa hiệu quả điều trị, đồng thời cải thiện trải nghiệm của người bệnh. Ngoài yếu tố kỹ thuật, các bệnh viện cũng cần xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực y tế để sử dụng và khai thác hiệu quả các công nghệ mới, đặc biệt là AI. Sự phối hợp giữa các bệnh viện, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các tổ chức y tế quốc tế sẽ là nền tảng vững chắc để phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe thông minh, hướng tới hệ thống y tế bền vững.