Hơn 33 triệu USD giảm thiểu phát thải của chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân
Dự án 'Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm POP và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái,' nhằm giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng...

Ảnh minh họa. Nguồn: Unsplash
Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khởi động dự án "Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái"
Dự án do Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, với sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp và cộng đồng được triển khai trong 4 năm với tổng kinh phí 33,1 triệu USD, trong đó, hơn 4,6 triệu USD tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) và 28,5 triệu USD từ nguồn đối ứng trong nước.
DỰ ÁN BẢO VỆ SỨC KHỎE, THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Dự án đặt 5 mục tiêu gồm giảm 648 kg thủy ngân thông qua loại bỏ và thay thế 10.000 thiết bị y tế chứa thủy ngân, 20.000 bóng đèn huỳnh quang. Bên cạnh đó, giảm thiểu 35 tấn POP sử dụng trực tiếp hoặc nguyên liệu, vật liệu, sản phẩm, chất thải có chứa chất POP; Giảm thiểu phát thải U-POP và thủy ngân trong môi trường không khí; Thiết lập được cơ chế tài chính xanh; Nhãn sinh thái và cơ chế tài chính xanh được áp dụng.
Thực tế đã chứng minh các chất POP (ví dụ như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, dung môi, hóa chất công nghiệp,…) là những hóa chất hữu cơ có độc tính cao, khó bị phân hủy trong môi trường và có khả năng tích lũy sinh học, gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người và môi trường.
Dự án "Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất POP và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái,” nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý an toàn đối với chất ô nhiễm; thúc đẩy các mô hình phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp.
Trong khi đó, thủy ngân (Hg) là một nguyên tố kim loại dạng lỏng, khí thải ra môi trường sẽ làm ô nhiễm không khí, đất và xâm nhập vào nguồn nước, rất nguy hiểm ngay cả khi phát thải ở nồng độ thấp.
Vì vậy, việc khởi động Dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất POP và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái,” nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý an toàn đối với chất ô nhiễm; thúc đẩy các mô hình phát triển bền vững trong các ngành công nghiệp.
Giới thiệu thêm về Dự án tại hội thảo khởi động dự án ngày 11/7, bà Đặng Thùy Linh, Cục Môi trường, Điều phối viên Dự án cho biết mục tiêu tổng thể của dự án này là bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đồng thời thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Với ý nghĩa đó, theo đại diện Cục Môi trường, dự án trên sẽ tập trung vào việc giảm thiểu sử dụng và phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, bao gồm cả các chất POP mới, các chất POP phát sinh không chủ định (U-POP), cũng như thủy ngân trong toàn bộ vòng đời sản phẩm thuộc một số ngành công nghiệp tiêu biểu, ví dụ như nhiệt kế, rơle thủy ngân...
Bên cạnh đó, để đạt các mục tiêu, dự án sẽ triển khai các công cụ như nhãn sinh thái, cơ chế tài chính xanh, mua sắm xanh. Trong đó, mục tiêu cụ thể là hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy; thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng theo hướng bền vững.
Về tình hình sử dụng các chất ô nhiễm ở trong nước, bà Linh cho biết quá trình tăng trưởng công nghiệp và mức tiêu dùng ngày càng cao trong những năm qua, đã dẫn đến khả năng nhiều ngành sử dụng và phát thải một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất POP. Các chất POP thường được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hoặc phụ gia trong nhiều lĩnh vực như nhựa, resin, chất hóa dẻo, dầu bôi trơn, chất chống cháy, chất chống thấm, chất phủ hoặc xử lý bề mặt sản phẩm và chất kết dính.
Theo đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường khi tham gia Công ước Stockholm từ năm 2002 và Công ước Minamata từ năm 2013. Tuy nhiên, do đang trên đà phát triển, nên việc sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và thủy ngân vẫn còn phổ biến.
Trước thực tế đó, việc khởi động dự án được kỳ vọng sẽ góp phần trực tiếp giải quyết các thách thức, thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, đáp ứng yêu cầu mới từ các công ước quốc tế.
THÚC ĐẨY THỰC HIỆN CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ
Cục Môi trường cho rằng trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam được xem là một công cụ nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động chứng nhận và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Ngoài những tiêu chí đã được ban hành, trong giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam dự kiến bổ sung thêm các nhóm tiêu chí mới. Các nhóm này bao gồm lĩnh vực sản xuất bao bì, giấy và đồ dùng văn phòng; hóa mỹ phẩm; vật liệu xây dựng và gia dụng; cũng như các sản phẩm điện, điện tử, pin và ắc quy.
Theo đó, ông Patrick Haverman, Phó Trưởng Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam, nêu một số lưu ý trong quá trình triển khai dự án để đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, cần phải cập nhật nội dung dự án phù hợp với những cam kết mới trong Công ước Stockholm, Công ước Minamata và các hiệp định về ô nhiễm nhựa.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, việc chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam được xem là một công cụ nhằm thúc đẩy bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động chứng nhận và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, ông Patrick Haverman cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành. Bởi POP, thủy ngân và các hóa chất nguy hại không chỉ xuất hiện trong một lĩnh vực mà liên quan đến nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Do vậy, sự dẫn dắt mạnh mẽ từ các cơ quan như Cục Môi trường, Cục Hóa chất, hay Cục Y tế dự phòng,... sẽ là yếu tố then chốt để triển khai hiệu quả dự án.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thời gian qua, Bộ đóng vai trò là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Stockholm về các chất POP. Bộ đã luật hóa các quy định của Công ước vào Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, đồng thời xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về giới hạn các chất ô nhiễm khó phân hủy.
Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành đã quy định cụ thể về mua sắm xanh, nhằm thúc đẩy việc lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường có chứng nhận nhãn sinh thái. Điều này cũng góp phần tăng cường các cơ chế tài chính xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.
"Chúng tôi hy vọng với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF), UNDP và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, dự án sẽ góp phần thực thi hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường, đặc biệt trong quản lý POP và thủy ngân; đồng thời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, nhằm giảm thiểu rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng", Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn.