Nâng cao chất lượng truyền thông, hoàn thiện pháp lý về công tác xã hội
Theo TS. Trần Ngọc Diễn (Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội), việc nâng cao chất lượng truyền thông, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội là rất cần thiết.
Hơn 10 năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án 32 và Chương trình phát triển công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2021- 2030 đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực từ công tác truyền thông về CTXH với vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí.
Theo TS. Trần Ngọc Diễn (Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội), Báo chí đã trở thành một kênh thông tin không chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, tầm quan trọng của CTXH, mà còn là kênh phản hồi những đề xuất, kiến nghị. Nêu ra những bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật để các ban, ngành chức năng đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó, kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng truyền thông, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH là rất cần thiết.
Xác định vai trò quan trọng của công tác truyền thông đối với việc phát triển CTXH, từ năm 2010 đến nay, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với Bộ TT&TT xây dựng, ban hành và tổ chức đẩy mạnh công tác truyền thông về CTXH với nhiều hình thức và nội dung đa dạng, phong phú.
TS. Trần Ngọc Diễn cho rằng, Báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn đàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho công chúng.
Qua đó góp phần mở mang hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh thái độ và hành vi xã hội về những vấn đề mà văn bản pháp lý về CTXH đặt ra; từ đó lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện chính sách và khuôn khổ pháp luật về CTXH.
Đến nay, rất nhiều cơ quan báo chí đã tuyên truyền về CTXH một cách thường xuyên, liên tục; đã thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của CTXH, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về CTXH.
Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình trung tâm CTXH, xây dựng website nghề CTXH nhằm chuyển tải trực tiếp các thông điệp cũng như tiếp cận trực tiếp với các đối tượng cần trợ giúp.
Nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội đã xây dựng tổng đài tư vấn để trực tiếp với các đối tượng này.
Nhờ đó, hơn 10 năm qua, CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học và sau đại học chiêu sinh ngành CTXH với hàng ngàn người theo học.
Nhờ các thông tin báo chí cung cấp, hàng vạn đối tượng đã được hỗ trợ CTXH kịp thời như trẻ em bị xâm hại, người già cô đơn ốm đau bệnh tật, nhiều bệnh nhân được chăm sóc kịp thời…
Vai trò của truyền thông trong hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công tác xã hội
TS. Trần Ngọc Diễn chỉ ra rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có trên 15 Bộ luật; 7 Pháp lệnh và hơn 50 Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư và các văn bản chỉ đạo khác có nội dung quy định CTXH là cơ sở, tiền đề để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Nhưng khuôn khổ pháp lý cũng như các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH vẫn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ. Khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa được quy định một cách toàn diện, đầy đủ.
So với pháp luật các nước phát triển trên thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực thì các quy định liên quan đến CTXH ở Việt Nam vẫn còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt.
Theo TS. Trần Ngọc Diễn, để xây dựng hành lang pháp lý về CTXH có chất lượng cao nhất, phù hợp với mục tiêu và mong muốn của các nhà soạn thảo, có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống thì việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền ngay trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định là rất quan trọng.
Sự tham gia của truyền thông một mặt đảm bảo cho sự thành công của việc xây dựng Nghị định, mặt khác cũng giúp cho dự thảo ngày được hoàn thiện hơn.
Trong quá trình này, báo chí giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, kiến thức, tạo diễn dàn chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm cho công chúng; thông qua đó, góp phần mở mang hiểu biết và thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh thái độ và hành vi xã hội về những vấn đề mà văn bản pháp lý về CTXH đặt ra; từ đó lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các chính sách và khuôn khổ pháp lý về CTXH.
Vai trò phản biện của báo chí nhằm bảo đảm cho chính sách được thiết kế mang lại lợi ích tốt nhất cho các đối tượng liên quan.
Báo chí là phương tiện và phương thức kết nối xã hội, là kênh khơi nguồn, truyền dẫn và kết nối sức mạnh từ các thiết chế xã hội, từ đội ngũ những trí thức, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội, các tổ chức và công dân, tạo thành diễn đàn phản biện chính sách,tạo sự đồng thuận xã hội.
Báo chí cũng đánh giá tổng kết thực tiễn hiệu quả các chính sách hỗ trợ các cơ quan quản lý ban hành chính sách phù hợp hiệu quả; đồng thời nghiên cứu lý luận và thực tiễn truyền thông về CTXH tham gia đóng góp xây dựng khuôn khổ pháp lý phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, với thực tiễn của cuộc sống.
TS. Trần Ngọc Diễn cũng chỉ ra mặt hạn chế của công tác truyền thông về CTXH như: Nhiều cơ quan thông tin đại chúng chưa quan tâm đúng mức đến CTXH, việc phối hợp cung cấp, tiếp nhận thông tin, định hướng tuyên truyền giữa cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông còn chưa đồng bộ, nhịp nhàng…