Nâng cao chất lượng và gắn kết giữa doanh nghiệp với nhà trường

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, có kết quả về đổi mới dạy nghề.

Cụ thể, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH hoàn thiện “Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030”; rà soát, sắp xếp, tổ chức các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động; khắc phục chồng chéo, dàn trải.

Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế nâng cao hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN), ưu tiên tiếp cận các cơ sở GDNN trong khu vực và quốc tế; chuyển giao các công cụ quản lý, đảm bảo chất lượng và các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo hướng quốc tế hóa…

Trong khi chờ xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo đúng Luật Quy hoạch 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động triển khai quy hoạch 45 trường chất lượng cao, với 134 ngành/nghề trọng điểm.

 Phối hợp của doanh nghiệp trong tham gia công tác đào tạo nghề là hết sức cần thiết. Ảnh minh họa

Phối hợp của doanh nghiệp trong tham gia công tác đào tạo nghề là hết sức cần thiết. Ảnh minh họa

Theo đó, các trường đào tạo nghề hoạt động ngày càng hiệu quả, tuyển sinh được cải thiện từng năm, và có tới hơn 85% học viên nghề ra trường có việc làm với thu nhập tốt. Năm 2018 giảm được 35 trường công; 6 tháng năm 2019 giảm 24 trường công, hiện đã nhận được đề nghị của 24 địa phương đề nghị sáp nhập 10 trường CĐ, 32 trường trung cấp. Tính chung 2 năm (2018-2019) sẽ giảm được 100 trường công lập (giảm 16%, vượt trước mục tiêu đến năm 2021 giảm ít nhất 10%).

Chất lượng, hiệu quả đào tạo đã chuyển biến tích cực, khi 85% số người học nghề xong có việc làm. Ở nhiều trường, nhiều nghề 100% người tốt nghiệp có việc làm với thu nhập tốt. 25 trường được công nhận đủ điều kiện triển khai đào tạo một số nghề theo chuẩn Úc, 45 trường đào tạo theo tiêu chuẩn Đức...

Tuyển sinh GDNN có sự chuyển biến rõ rệt. Trước 2017, tuyển sinh nghề chỉ đạt 60-70% kế hoạch, thì 2 năm 2017-2018 đều vượt kế hoạch năm. Nhiều trường 8 tháng đầu năm 2019 đã tuyển đủ theo chỉ tiêu cả năm. Kết quả tuyển sinh đã có sự phân hóa về chất lượng, thương hiệu của các trường tốt, những ngành nghề mũi nhọn cho phát triển đất nước.

Vấn đề đấng nói là việc gắn kết giữa đào tạo nghề và DN đã có những chuyển biến tích cực hơn. Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân đánh giá, hiện Việt Nam có 55 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 24% lao động qua đào tạo. Trong giai đoạn đổi mới, các DN, đặc biệt DN FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) chủ yếu sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Vì thế, phối hợp của DN trong tham gia công tác đào tạo nghề là hết sức cần thiết.

“Để làm thay đổi GDNN, giúp cung ứng được nhanh và nhiều nhất lao động có kỹ năng cao cho xã hội, chỉ có tăng cường hợp tác nhà trường – DN. Hợp tác đó cũng giúp tránh lãng phí cho xã hội, khi sinh viên tốn tiền học, khi ra trường đi làm DN vẫn phải chi tiền đào tạo lại”, ông Quân nói.

Hiện Bộ LĐ-TB&XH đã có thông tư cho phép DN tham gia đào tạo tới 40% chương trình đào tạo nghề, cắt giảm hết các thủ tục cấp phép cho DN tham gia đào tạo, cấp chứng chỉ. Bộ cũng đang lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về sự tham gia của DN vào dạy nghề.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp, đào tạo kỹ năng và tạo công ăn việc làm cho người lao động là những yếu tố rất quan trọng để tăng năng suất lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững. Theo Bộ trưởng, muốn làm được điều đó thì việc kết nối DN với trường nghề là quy luật tất yếu. Đây là quy luật "bàn tay vỗ" khi hai cái này luôn phải song song với nhau, nhưng cần thêm vai trò hỗ trợ của Nhà nước.

“Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, có lẽ chúng ta cũng không cho phép DN sử dụng những lao động không qua đào tạo, vì đây chính là sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/nang-cao-chat-luong-va-gan-ket-giua-doanh-nghiep-voi-nha-truong-170198.html