Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển
Chiều 10/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Triển khai thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 2/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án 'Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển'.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh và Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) Hồ Quang Huy đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, đến nay, Chính phủ đã thông qua 9 Nghị quyết phê duyệt kết quả pháp điển đối với 267 đề mục. Bộ pháp điển Việt Nam đã cơ bản hoàn thành (267/271 đề mục, đạt 98,5% khối lượng Bộ pháp điển) và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử pháp điển (phapdien.moj.gov.vn). Như vậy, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã quyết tâm, nỗ lực tổ chức triển khai xây dựng thành công Bộ pháp điển trên cơ sở Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL năm 2012 và Quyết định số 1267/QĐ-TTg.
Bộ pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật, qua đó giảm chi phí tuân thủ pháp luật hiện hành. Với hệ thống văn bản pháp luật cồng kềnh và các quy định pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội phân tán tại nhiều văn bản như nước ta hiện nay, việc tra cứu quy định pháp luật có tính hệ thống tại Bộ pháp điển còn giúp cá nhân, tổ chức tra cứu một cách đầy đủ và toàn diện.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác pháp điển còn một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển. Ngày 2/2/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” nhằm khắc phục những hạn chế còn tồn tại và phát huy giá trị của Bộ pháp điển trong thời gian tới.
Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng, Hội nghị sẽ tập vào các nội dung: phổ biến, giới thiệu các nội dung cơ bản tại Đề án; Bộ Tư pháp định hướng, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; đề xuất giải pháp, sáng kiến để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án cũng như định hướng hoàn thiện, phát huy giá trị Bộ pháp điển trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả công tác cập nhật, duy trì Bộ pháp điển tại các bộ, ngành…
Tại Hội nghị, đại diện Cục Kiểm tra văn bản QPPL đã phổ biến, giới thiệu các nội dung cơ bản tại Đề án; trình bày định hướng, hướng dẫn các bộ, ngành triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã góp ý kiến về nội dung, chất lượng, tiến độ triển khai thực hiện Quyết định; các yêu cầu về nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ Đề án. Theo một số đại biểu, kỹ thuật, nghiệp vụ pháp điển vẫn còn nhiều lúng túng đối với các bộ, ngành. Qua đó, họ mong Bộ Tư pháp tiếp tục có sự hỗ trợ, đồng thời tăng cường công tác đôn đốc các bộ, ngành triển khai thực hiện kịp thời, đúng tiến độ.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao các ý kiến phát biểu đầy trách nhiệm, tâm huyết, trăn trở của các đại biểu. Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Đề án, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành tập trung tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác pháp điển hệ thống QPPL; Đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 143/QĐ-TTg của Chính phủ tại cơ quan mình, trong đó, xác định các rõ công việc cụ thể, thời hạn hoàn thành nhằm bảo đảm kết quả triển khai thực hiện Đề án chất lượng, hiệu quả và đúng tiến độ.
Hiện nay một số cơ quan chưa làm tốt việc đăng tải văn bản QPPL trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ để thực hiện pháp điển, cập nhật QPPL mới. Do đó, Thứ trưởng đề nghị thủ trưởng các bộ, ngành quán triệt tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, bảo đảm nhanh chóng và đầy đủ.
Để việc thực hiện pháp điển bảo đảm chất lượng và thời gian quy định, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành cần quán triệt các công chức trực tiếp thực hiện công tác này nắm được quy trình, kỹ thuật thực hiện pháp điển; tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp thống kê đầy đủ, kịp thời về kết quả công tác pháp điển của cơ quan mình khi có yêu cầu báo cáo.
Để đưa Bộ pháp điển vào cuộc sống, các bộ, ngành cần tăng cường phổ biến, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng Bộ pháp điển đến công chức, viên chức và người lao động tại bộ, ngành mình. Thứ trưởng mong muốn và tin tưởng trong thời gian tới, Bộ pháp điển sẽ trở thành địa chỉ tra cứu pháp luật tin cậy, đầy đủ, chính xác, phát huy giá trị, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đặc biệt, để triển khai các nhiệm vụ tại Đề án một cách toàn diện và hiệu quả, các bộ, ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, kịp thời trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án cũng như chia sẻ phương pháp, cách làm hay để các bộ, ngành cùng thực hiện./.