Nâng cao chất lượng vốn tín dụng chính sách tại Bến Tre

Trong thời gian qua, hàng nghìn gia đình nghèo, đối tượng chính sách tại tỉnh Bến Tre được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín dụng chính sách.

Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Phú Hưng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Phú Hưng của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách

Sáng thứ 7, ngày 5/10, tại điểm giao dịch xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, nhiều người vay vốn cùng tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn đã tập trung đông đủ để giao dịch định kỳ hàng tháng theo lịch cố định.

Từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân xã Phú Hưng an tâm phát triển sản xuất, kinh doanh mua bán để thoát nghèo bền vững. Trong đó, gia đình bà Nguyễn Thị Đậu, ngụ ấp Phú Hào (xã Phú Hưng) sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển chăn nuôi bò và cải tạo 4.000m2 vườn dừa.

Bà Đậu cho biết: “Trước đây gia đình tôi kinh tế rất khó khăn do không có vốn và phải lo cho 3 đứa con học đại học. Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay sinh viên, vay phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn dừa nên kinh tế gia đình dần ổn định. Hiện tại, cả 3 đứa con đều có việc làm, gia đình phát triển đàn bò và trồng dừa mang lại hiệu quả kinh tế cao”. Số tiền vay 70 triệu đồng đang được gia đình bà Đậu trả dần từ bán bò thịt và thu huê lợi từ vườn cây ăn trái.

Gia đình bà Nguyễn Thị Đậu, ngụ xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre) vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo vườn cây, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Gia đình bà Nguyễn Thị Đậu, ngụ xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre) vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo vườn cây, phát triển kinh tế gia đình. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Còn gia đình ông Nguyễn Thanh ngụ ấp Phú Hữu (xã Phú Hưng) vay 20 triệu đồng để xây dựng nhà vệ sinh và mua bồn trữ nước ngọt.

Ông Thanh cho biết: “Bản thân tôi đang làm bảo vệ nên chưa có đủ tiền xây dựng lại nhà vệ sinh cho gia đình. Khi được vay vốn, tôi trả tiền lãi và tiết kiệm mỗi tháng 300 nghìn đồng để trừ vào nợ gốc nên rất tiện lợi”.

Trong thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân đã phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo. Một số hộ vay cho con em học sinh, sinh viên để giúp các cháu học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Việc vay vốn đáp ứng nhu cầu cần thiết trong giải quyết việc làm, cải tạo vườn, chăn nuôi… góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre

Bà Đặng Thị Thương, tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn ấp Phú Hào (xã Phú Hưng), cho biết: “Hiện nay tôi quản lý 38 hộ vay vốn để phát triển chăn nuôi, mua bán nhỏ, cải tạo vườn, làm nhà vệ sinh…. Thủ tục vay, thu lãi và gửi tiết kiệm để trả nợ gốc đơn giản nên người dân an tâm. Mới đây, trong cuộc họp tổ vay vốn ở xã tôi đề xuất cho 2 hộ vay buôn bán quần áo và tạp hóa được nâng số tiền vay lên nhằm mở rộng việc buôn bán nhỏ của gia đình để giúp phát triển kinh tế”.

Tại xã Phú Hưng có 962 hộ dân được vay vốn ủy thác thông qua 4 tổ chức chính trị-xã hội gồm: Hội nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên với 19 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ 22,4 tỷ đồng, số dư tiết kiệm khoảng 3 tỷ đồng.

Người dân tìm hiểu thông tin về vay vốn, thủ tục, dư nợ tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Người dân tìm hiểu thông tin về vay vốn, thủ tục, dư nợ tại điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Hưng Nguyễn Thị Kim Loan cho biết: “Trong thời gian qua, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, các hộ dân đã phát triển kinh tế hộ gia đình, vươn lên thoát nghèo. Một số hộ vay cho con em học sinh, sinh viên để giúp các cháu học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định. Việc vay vốn đáp ứng nhu cầu cần thiết trong giải quyết việc làm, cải tạo vườn, chăn nuôi… góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương”.

Nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Tại huyện Mỏ Cày Bắc, giai đoạn 2014-2024, tín dụng chính sách xã hội đã cho vay 35.752 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc với số tiền 957,8 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội giúp 4.010 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06 của Ban Bí thư, các cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.

Trong đó, tập trung cho vay đúng đối tượng thụ hưởng có nhu cầu và đủ điều kiện, có phương án vay vốn phù hợp, quản lý, bảo đảm người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ trả nợ, trả lãi đầy đủ và đúng hạn, tích cực thực hành tiết kiệm theo quy ước hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn...”.

Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ người dân tại điểm giao dịch xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Ngân hàng Chính sách xã hội phục vụ người dân tại điểm giao dịch xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Hiện, toàn tỉnh Bến Tre có 153/157 điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn với 2.888 tổ tiết kiệm và vay vốn. Giai đoạn 2014-2024, tín dụng chính sách xã hội đã cho vay 360.996 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền 10.009,73 tỷ đồng.

Tín dụng chính sách xã hội giúp 45.497 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; tạo việc làm mới cho 57.253 lượt lao động, trong đó có 1.929 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; giúp 11.432 học sinh, sinh viên vay vốn học tập.

Đồng thời, tín dụng chính sách xã hội còn hỗ trợ hộ nghèo xây dựng 958 căn nhà; hỗ trợ xây mới và cải tạo 137 nhà ở xã hội; xây dựng 303.450 công trình nước sạch và công trình nhà vệ sinh nông thôn; cho vay 20.650 hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay 596 thương nhân vùng khó khăn; cho vay 38 người sử dụng lao động để trả lương cho 5.468 người lao động… Chất lượng tín dụng luôn được củng cố và nâng cao, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 98,34%...

Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre Ngô Thị Thanh Tâm cho biết: “Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng, góp phần tích cực thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, việc bố trí ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh”.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân tỉnh Bến Tre phát triển chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội giúp người dân tỉnh Bến Tre phát triển chăn nuôi, thoát nghèo bền vững. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã thực hiện tốt công tác cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Hằng năm, tỉnh dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Vì vậy, nguồn vốn ủy thác của địa phương sang ngân hàng chính sách xã hội tăng liên tục qua các năm. Đến nay đạt 290,172 tỷ đồng, tăng 278,777 tỷ đồng so với 2014. Tỷ lệ vốn ủy thác của địa phương tăng từ 0,78% năm 2014 lên 6,54% năm 2024.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội tập trung huy động, khơi tăng nguồn vốn, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, việc bố trí ủy thác sang ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Bà Ngô Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bến Tre

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: “Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương”.

Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Nhuận Phú Tân của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Nhuận Phú Tân của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mỏ Cày Bắc. (Ảnh: HOÀNG TRUNG)

Trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội phù hợp từng giai đoạn.

Đồng thời, tạo điều kiện cho Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng chính sách xã hội được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-chat-luong-von-tin-dung-chinh-sach-tai-ben-tre-post835647.html