Nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các vụ án

Để góp phần tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, thời gian qua, Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, bảo đảm đúng người, đúng pháp luật.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh trong một phiên tòa hình sự.

Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh trong một phiên tòa hình sự.

Đồng chí Trần Văn Kiểm, TUV, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Trước thực trạng số lượng các loại vụ việc ngành TAND tỉnh phải thụ lý, giải quyết hàng năm tiếp tục tăng, các vụ việc ngày càng phức tạp về tính chất, mức độ, với vai trò là trung tâm của hệ thống tư pháp, TAND hai cấp tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử. Trong đó, TAND tỉnh chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Chỉ thị của Chánh án TAND tối cao về nhiệm vụ trọng tâm công tác hàng năm của TAND. Tiếp tục duy trì và thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm cải tiến phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý; phát huy tính sáng tạo và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ quan, đơn vị. Làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; tăng cường kiểm tra nghiệp vụ đối với TAND cấp huyện và các tòa chuyên trách TAND tỉnh để nắm bắt, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án phức tạp, đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm chung đối với TAND hai cấp tỉnh. TAND tỉnh cũng tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương theo quy chế phối hợp, nhất là trong công tác giải quyết các vụ án dân sự và án hành chính. Chú trọng bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, đạo đức, tác phong lối sống cho cán bộ, công chức; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho thẩm phán, thư ký, hội thẩm nhân dân và lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ lãnh đạo quản lý. Đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp nhằm tinh gọn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính tư pháp; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm và công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử...

Nổi bật là công tác xét xử các vụ án hình sự TAND hai cấp tỉnh luôn bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không xét xử oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Trước mỗi vụ án, vụ việc, Tòa án phối hợp với các cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ xét xử, đảm bảo nghiêm minh, công bằng, đúng quy định của pháp luật. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, các thẩm phán tổ chức thảo luận, trao đổi với cơ quan chuyên môn để thống nhất hướng giải quyết; tiến hành thụ lý, thu thập tài liệu, giải quyết vụ án đúng đắn, hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, TAND hai cấp tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, bảo đảm công tác xét xử dân chủ, công khai, minh bạch; việc áp dụng chế định phạt tù nhưng cho hưởng án treo, luôn được cân nhắc thận trọng đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt đối với các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của tỉnh theo dõi chỉ đạo, TAND tỉnh tổ chức xét xử nghiêm minh, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Trong năm 2024, TAND tỉnh đã xét xử các vụ án trọng điểm như: Vụ án Đỗ Đức Lưu và đồng phạm bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”; “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định; Vụ án Trần Đình Giao và đồng phạm bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”, tội “Trốn thuế”, tội “Chiếm đoạt tài liệu của cơ quan, tổ chức” và tội “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Tang lễ Hoàng Long; Vụ án Bùi Văn Lưu và đồng phạm bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ” và “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan, tổ chức” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm 18-03D; Vụ án Bùi Quang Thanh và đồng phạm đã bị xét xử về các tội: “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; tội “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại xã Minh Thuận (nay là xã Minh Tân), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.... Khi xét xử các vụ án trên, TAND tỉnh đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, đồng thời áp dụng chính sách khoan hồng đối với người phạm tội giữ vai trò thứ yếu, là cấp dưới làm theo sự chỉ đạo. Hình phạt mà Tòa án áp dụng được phân hóa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Ngoài ra, Tòa án cũng đã tích cực thu hồi tài sản tham nhũng, chiếm hưởng bất chính, trong đó đã thu hồi tại giai đoạn xét xử gần 12,6 tỷ đồng; kê biên 18 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và 60 nghìn cổ phần.

Cùng với nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, TAND hai cấp tỉnh chú trọng công tác giải quyết án dân sự. Trước thực trạng án dân sự, nổi lên một số tranh chấp chiếm tỷ lệ cao như tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp di sản thừa kế, tranh chấp tài sản chung của vợ chồng, tranh chấp các hợp đồng tín dụng liên quan đến các hoạt động ngân hàng… có tính chất rất phức tạp, thường diễn ra trong thời gian dài; có nhiều khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ. Trong quá trình Tòa án tiến hành thẩm định, định giá tài sản tranh chấp và mở phiên tòa xét xử, một số đương sự thường cản trở, chống đối, không chấp hành; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan sinh sống ở nhiều nơi, thậm chí có người đang sống ở nước ngoài; một số luật sư có nhiều đơn xin hoãn phiên tòa, dẫn đến nhiều vụ án dân sự thời gian xét xử bị kéo dài. Các vụ việc ly hôn, phần lớn là gia đình trẻ, mâu thuẫn chủ yếu là do bất đồng quan điểm sống, vợ chồng không chung thủy; các vụ việc kinh doanh thương mại, chủ yếu là tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư tài chính, ngân hàng.… Tuy nhiên, với những nỗ lực và quyết tâm cao trong việc đề ra kế hoạch, thu thập tài liệu chứng cứ, tiến hành nhiều thủ tục tố tụng theo luật định và tăng cường công tác hòa giải, đối thoại, TAND hai cấp đã giải quyết án kịp thời, đạt hiệu quả cao, đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, TAND hai cấp cũng thực hiện tốt các công tác khác như: công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, công tác thi hành án hình sự, công tác kiểm tra, giám sát, công tác hành chính tư pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng nội bộ dùng chung của hệ thống Tòa án, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các loại án.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, hàng năm, ngành TAND tỉnh luôn hoàn thành vượt các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, chất lượng giải quyết các loại vụ việc ngày được nâng lên. Năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Nam Định đã giải quyết, xét xử 5.780/5.862 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,6%. TAND hai cấp đã phối hợp với Công an và Viện Kiểm sát cùng cấp lựa chọn, đưa ra xét xử 135 vụ án điểm; tổ chức tốt 28 phiên tòa lưu động để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương. TAND hai cấp đã phối hợp với các cơ quan hữu quan hòa giải được 2.039 vụ việc trong tổng số 3.609 vụ việc đã giải quyết, đạt tỷ lệ 56,5%... Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm trong kế hoạch chuyên môn đã đề ra, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Văn Trọng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202503/nang-cao-chat-luong-xet-xugiai-quyet-cac-vu-an-b084944/